Logo

Các câu hỏi phỏng vấn ngành Y tế và gợi ý cách trả lời

Lượt xem: 1250
Ngày đăng: 18/03/2024

Tổng hợp những câu hỏi phỏng vấn tuyển dụng viên chức y tế, nhân viên y tế học đường, điều đưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệp ✓ Câu hỏi phỏng vấn nhân viên y tế có gợi ý cách trả lời tham khảo giúp ứng viên tự tin hơn trước nhà tuyển dụng

Câu hỏi phỏng vấn nhân viên y tế - ViecLamVui

➽➽➽ Có thể bạn quan tâm: 1001 câu hỏi phỏng vấn thường gặp và cách trả lời hay nhất thuyết phục nhà tuyển dụng

Câu hỏi phỏng vấn tuyển dụng viên chức y tế

Sau đây là tổng hợp câu hỏi phỏng vấn viên chức ngành y tế liên quan đến chuyên môn thường gặp và gợi ý cách trả lời thuyết phục.

Câu hỏi phỏng vấn tuyển dụng viên chức y tế - ViecLamVui

Anh/Chị có thể giới thiệu về bản thân?

Khi nhận được câu hỏi này, các bạn có thể trả lời một cách ngắn gọn về thông tin cá nhân như họ tên, trường đại học hoặc các chuyên ngành mà bạn đã theo học, bệnh viện đang thực tập… Các thông tin giới thiệu về bản thân hầu như đều đã thể hiện đầy đủ trên CV của bạn, vì vậy bạn không cần trình bày quá dài dòng, chú ý trình bày nhấn mạnh vào những điểm quan trọng có liên quan đến vị trí công việc tuyển dụng.

Bạn hãy cho biết quyền lợi của viên chức y tế trong quá trình hoạt động nghề nghiệp là gì?

Gợi ý trả lời tham khảo:

"Quyền lợi của viên chức y tế trong quá trình hoạt động nghề nghiệp là:

  • Được đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn cũng như nghiệp vụ.
  • Từ chối những công việc liên quan đến tham nhũng theo quy định của pháp luật.
  • Làm việc trong môi trường đầy đủ trang thiết bị y tế.
  • Được quyết định các vấn đề liên quan đến chuyên môn của mình trong công việc được giao.
  • Được hưởng tất cả các quyền khác về hoạt động nghề nghiệp khi công tác."

Những hành vi nào bị cấm trong quy định khám, chữa bệnh?

Đây là một câu hỏi phỏng vấn viên chức ngành y tế thường xuyên gặp nhất và cũng rất dễ nhớ đối với những bạn học Y. 

Gợi ý trả lời tham khảo:

"Trong quy trình khám chữa bệnh có những hành vi bị cấm như sau:

  • Kê khai cho bệnh nhân những loại thuốc mà Bộ Y tế cấm hoặc chưa cho phép lưu hành.
  • Thay đổi bệnh án, sổ khám bệnh của bệnh nhân.
  • Không chữa bệnh hoặc cấp cứu, cố tình kéo dài thời gian cấp cứu bệnh nhân khi người bệnh đang trong tình trạng nguy kịch.
  • Những dụng cụ y tế, dịch vụ khám chữa bệnh không đúng với quy chuẩn của bộ y tế.
  • Sử dụng chất kích thích, uống rượu bia, chất có cồn trong quá trình khám chữa bệnh.
  • Dựa trên quyền hạn và chức vụ của mình để lợi dụng đến thân thể, danh dự của bệnh nhân.
  • Nhận hối lộ trong quá trình khám chữa bệnh của bệnh nhân.
  • Cố ý hành nghề khám chữa bệnh cho bệnh nhân khi chưa có giấy phép của bộ y tế cấp phép hành nghề."

Một số hành vi bị cấm trong công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm là gì?

Gợi ý trả lời tham khảo:

"Các hành vi bị cấm trong công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm:

  • Cố tình nhân rộng phạm vi lây nhiễm của dịch bệnh truyền nhiễm.
  • Khai báo sai thông tin về bệnh tình người dân.
  • Không triển khai các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm cho người dân và bệnh nhân.
  • Không thực hiện chấp hành các quy định trong công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm đúng theo yêu cầu của các cơ quan chức năng."

Theo thông tư 07/TT – BYT thì quy tắc ứng xử của viên chức khi tham gia hành nghề là gì?

Gợi ý trả lời tham khảo:

"Những quy tắc ứng xử của nhân viên y tế khi hành nghề là:

  • Khám chữa bệnh cho người dân theo đúng chuẩn đạo đức nghề nghiệp, lành mạnh.
  • Khám bệnh và chữa bệnh không được lợi dụng vào chức vụ, danh tiếng của đơn vị bệnh viện mình để giải quyết việc cá nhân, đặc biệt là quá đề cao trình độ bản thân mình trong đơn vị.
  • Không được lợi dụng vào danh tiếng của đơn vị công tác để giải quyết việc cá nhân.
  • Không được quá đề cao lợi ích cá nhân.
  • Chủ động trong công việc.
  • Giữ uy tín cho đơn vị mình làm việc."

Theo thông tư số 08/TT – LB 1995 của bộ y tế thì chế độ làm việc của cán bộ y tế được quy định như thế nào?

Với câu hỏi phỏng vấn viên chức ngành y tế này các bạn có thể trả lời như sau:

  • Chế độ làm việc cho cán bộ y tế là 8 tiếng 1 ngày và phải phân công trực 24/24 kể cả ngày lễ tết, chủ nhật để kịp thời cứu chữa người bệnh.
  • Ngoài thời gian trực và làm việc tại các cơ sở y tế trên địa bàn, cán bộ y tế phải có nhiệm vụ tuyên truyền cách giữ gìn sức khỏe cho người dân, tuyên truyền công tác giữ gìn vệ sinh và phòng chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe cho người thân cũng như cộng đồng.
  • Các cán bộ y tế hoạt động tại các trạm y tế xã, phường cần được cung cấp các trang thiết bị y tế chuẩn theo quy định của bộ y tế.

Bạn hãy cho biết điều khoản luật phòng chống tham nhũng theo Thông tư QH11 đối với ngành Y tế?

Trong thực tế, có rất nhiều các nhân viên, cá nhân trong tổ chức ngành Y có hành vi tham nhũng, hối lộ dẫn đến uy tín và công tác nghề nghiệp bị giảm sút. Do đó, thông qua câu hỏi này, nhà tuyển dụng cần phải biết ở bạn có thực sự hiểu và làm đúng theo những điều khoản theo luật phòng chống tham nhũng hay không.

Gợi ý trả lời tham khảo:

“Theo thông tư số 55/2005/QH11 của luật phòng chống tham nhũng thì có bao gồm các điều khoản như sau:

  • Điều 3: Các biểu hiện về những hành vi mang tính tham nhũng
  • Điều 4: Các quy định xử phạt với cá nhân có hành vi tham nhũng
  • Điều 37: Những hành vi mà các cán bộ, công nhân viên chức không được phép làm.
  • Điều 40: Những quy định trong công tác tặng và nhận quà của các bộ công nhân viên chức."

Các câu hỏi phỏng vấn viên chức ngành y tế khác

  • Bạn hãy cho biết 4 nguyên tắc trong quy trình xác nhận đúng khách hàng khi cung cấp dịch vụ y tế tại bệnh viện?
  • Bạn hãy cho biết theo quy định tại Luật viên chức ngày 15/11/2010 thì những việc nào viên chức không được làm?
  • ISO 9001 là gì? Làm thế nào để bạn áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001 cho công việc chuyên viên y tế?
  • Theo bạn 3 kỹ năng quan trọng nhất cho chuyên viên y tế là gì?

Câu hỏi phỏng vấn nhân viên y tế học đường

Sau đây là một số câu hỏi và câu trả lời tham khảo trong bộ đề thi phỏng vấn tuyển dụng viên chức y tế học đường.

Câu hỏi phỏng vấn nhân viên y tế học đường - ViecLamVui

Anh/Chị hãy cho biết nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp được quy định tại Luật Viên chức ngày 15/11/2010?

Gợi ý trả lời tham khảo:

"Theo quy định tại Luật Viên chức ngày 15/11/2010 nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp được quy định như sau:

  • Thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao bảo đảm yêu cầu về thời gian và chất lượng.
  • Phối hợp với đồng nghiệp trong thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ.
  • Chấp hành sự phân công công tác của người có thẩm quyền.
  • Thường xuyên học tập nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ.
  • Khi phục vụ nhân dân, viên chức phải tuân thủ các quy định sau:
    • Có thái độ lịch sự, tôn trọng nhân dân;
    • Có tinh thần hợp tác, tác phong khiêm tốn;
    • Không hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà đối với nhân dân;
    • Chấp hành các quy định về đạo đức nghề nghiệp.
  • Chịu trách nhiệm về việc hoạt động nghề nghiệp. 
  • Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật."

Anh/Chị hãy cho biết quản lý và chăm sóc sức khoẻ trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được quy định tại Điều 4 - về hoạt động y tế trong các cơ sở giáo dục mầm non ban hành tại Quyết định số 58/2008/QĐ-BGDĐT ngày 17/10/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Gợi ý trả lời tham khảo:

"Theo quy định tại Quyết định số 58/2008/QĐ-BGDĐT ngày 17/10/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại Điều 4 quy định quản lý và chăm sóc sức khỏe trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non, cụ thể là:

  • Quản lý, lưu hồ sơ hoặc sổ theo dõi sức khỏe của trẻ em;
  • Tổ chức khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khỏe cho trẻ em ít nhất mỗi năm hai lần vào đầu mỗi học kỳ; đánh giá sự phát triển về thể chất của trẻ em theo quy định hiện hành;
  • Đo chiều cao, cân nặng, ghi biểu đồ tăng trưởng, theo dõi sự phát triển thể lực cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi mỗi tháng một lần, trẻ em trên 24 tháng tuổi mỗi quý một lần. Theo dõi, phối hợp với cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em trong việc tiêm chủng, uống vắc xin phòng bệnh; 
  • Sơ cứu, cấp cứu, chăm sóc sức khỏe ban đầu theo quy định hiện hành của Bộ Y tế; chuyển trẻ em bị tai nạn và ốm đau đột xuất đến cơ sở y tế trong trường hợp cần thiết;
  • Giáo dục vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường cho trẻ em; tham gia xây dựng thực đơn và khẩu phần ăn cho trẻ em; 
  • Thông báo định kỳ và khi cần thiết tình hình sức khỏe của trẻ em cho cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em."

Anh/Chị hãy cho biết quy định về phòng làm việc của nhân viên làm công tác y tế trong các cơ sở giáo dục mầm non theo Quyết định số 58/2008/QĐ-BGDĐT ngày 17/10/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Gợi ý trả lời tham khảo:

"Theo quy định tại Quyết định số 58/2008/QĐ-BGDĐT ngày 17/10/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy định về hoạt động y tế trong các cơ sở giáo dục mầm non, được quy định phòng làm việc của nhân viên làm công tác y tế như sau:

  • Mỗi trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ có một phòng làm việc của nhân viên làm công tác y tế (Phòng Y tế) trong khu vực hành chính đảm báo các yêu cầu về vệ sinh, diện tích từ 12 m2 trở lên thuận tiện cho công tác sơ cứu, cấp cứu chăm sóc sức khỏe ban đầu và vận chuyển trẻ em bị tai nạn và ốm đau đột xuất đến cơ sở y tế. 
  • Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập bố trí địa điểm để thực hiện sơ cứu, cấp cứu, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em."

Anh/Chị hãy cho biết quy định về trang thiết bị và thuốc trong hoạt động y tế tại các cơ sở giáo dục mầm non tại Điều 7 theo Quyết định số 58/2008/QĐ-BGDĐT ngày 17/10/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Gợi ý trả lời tham khảo:

"Theo Quyết định số 58/2008/QĐ-BGDĐT ngày 17/10/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Điều 7 trang thiết bị và thuốc trong hoạt động y tế tại các cơ sở giáo dục mầm non được quy định như sau:

  • Phòng y tế được trang bị các trang thiết bị chuyên môn, thuốc thiết yếu theo quy định của Bộ Y tế; có giường khám bệnh và lưu trẻ em cần chăm sóc y tế để theo dõi. 
  • Có bảng theo dõi tiêm chủng, uống vắc xin và khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em; phác đồ sơ cứu, cấp cứu một số bệnh và tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em; tranh ảnh,tài liệu tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh cho trẻ em. 
  • Được trang bị bàn, ghế, tủ,thiết bị làm việc thông thường khác."

Anh/Chị hãy cho biết theo quy định tại Thông tư số 18/2011/TTLT-BGDĐT-BYT ngày 28/4/2011 của Bộ Giáo dục-Đào tạo và Bộ Y tế, các nội dung đánh giá công tác y tế tại các trường tiểu học, trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định như thế nào?

Gợi ý trả lời tham khảo:

"Theo quy định tại Thông tư số 18/2011/TTLT-BGDĐT-BYT ngày 28/4/2011 của Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Y tế Quy định các nội dung đánh giá công tác y tế tại các trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học nội dung quản lý, chăm sóc sức khỏe cho học sinh được quy định như sau:

  • Tổ chức khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khỏe học sinh. Có sổ khám bệnh, hồ sơ quản lý, theo dõi tình hình sức khỏe học sinh cho cả cấp học.
  • Thực hiện sơ cứu, cấp cứu, chăm sóc sức khoẻ ban đầu theo quy định hiện hành. Chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế trong những trường hợp cần thiết.
  • Có cơ chế phối hợp với cơ sở y tế trong việc chăm sóc, điều trị đối với các học sinh mắc bệnh mãn tính.
  • Có thông báo cho cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ của học sinh về tình hình sức khỏe học sinh. Có kế hoạch chăm sóc và điều trị cho học sinh có vấn đề sức khỏe."

Anh/Chị hãy cho biết các trang thiết bị và thuốc trong các trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học được quy định thế nào theo quy định tại Quyết định số 73/2007/QĐ-BGDĐT ngày 04/12/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Gợi ý trả lời tham khảo:

"Theo quy định tại tại Quyết định số 73/2007/QĐ-BGDĐT ngày 04/12/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về hoạt động y tế trong các trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học,  các trang thiết bị và thuốc được quy định như sau:

  • Phòng y tế học đường có tủ thuốc đảm bảo đủ cơ số thuốc thiết yếu theo quy định của Bộ y tế; Có sổ quản lý, kiểm tra và đối chiếu xuất, nhập thuốc theo quy định. 
  • Được trang bị đầy đủ các trang thiết bị chuyên môn thiết yếu theo quy định của Bộ Y tế; Có ít nhất 01 giường khám bệnh và lưu bệnh nhân để theo dõi.
  • Có bàn, ghế, tủ, thiết bị làm việc thông thường khác."

Anh/Chị hãy cho biết theo quy định tại Thông tư số 18/2011/TTLT-BGDĐT-BYT, ngày 28/4/2011 của Bộ Giáo dục-Đào tạo và Bộ Y tế quy định nội dung truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh như thế nào?

Gợi ý trả lời tham khảo:

"Theo quy định tại Thông tư số 18/2011/TTLT-BGDĐT-BYT, ngày 28/4/2011 của Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Y tế quy định nội dung truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh như sau:

  • Xây dựng nội dung truyền thông giáo dục sức khỏe học sinh về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, bệnh tật học đường, sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS, tai nạn thương tích, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo hiểm y tế, kỹ năng sống và hành vi lối sống có hại cho sức khỏe. 
  • Tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe trong buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp hoặc trong các hoạt động ngoài giờ học chính khóa cho học sinh.
  • Có góc tuyên truyền, giáo dục, tư vấn sức khỏe cho học sinh tại phòng y tế của nhà trường.
  • Có bảng tin đăng tải các nội dung truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh.
  • Có tổ chức các hoạt động hưởng ứng các tháng hành động do ngành giáo dục, ngành y tế và các ban ngành địa phương phát động."

Những câu hỏi phỏng vấn ngành y tế vị trí điều dưỡng

Sau đây là những câu hỏi phỏng vấn ngành y tế vị trí điều dưỡng hay gặp nhất

Những câu hỏi phỏng vấn ngành y tế vị trí điều dưỡng - ViecLamVui

Bạn hãy tự giới thiệu về bản thân mình?

Giới thiệu về bản thân là 1 câu hỏi khá phổ biến, nó không chỉ là lưu hành ở các cuộc phỏng vấn ứng viên điều dưỡng mà còn xuất hiện ở mọi cuộc phỏng vấn các vị trí công việc khác. Với câu hỏi không liên quan về chuyên môn thì bạn đừng nên lý luận quá dài nhé, thời gian lý tưởng để bạn trình bày về bản thân là từ 1 đến 2 phút thôi.

Tất nhiên trong câu trả lời bạn cần chú ý đến những thông tin như là: họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, trường bạn tốt nghiệp đi kèm trình độ chuyên môn, tóm tắt về quá trình làm việc & tình trạng hôn nhân...

Hãy cho chúng tôi biết bạn có những điểm mạnh và điểm yếu gì?

Đây cũng là một trong những câu hỏi phỏng vấn ngành điều dưỡng thường gặp nhất. Để tạo được những ấn tượng cho nhà tuyển dụng thì bạn nên nhấn mạnh sở trường của mình, chú ý xoáy sâu vào những điều liên quan đến chuyên môn.

Bạn nên đưa từ 4 đến 5 ưu điểm của bản thân liên quan đến nghề điều dưỡng để các nhà tuyển dụng đánh giá cao hơn. Một số gợi ý trả lời cho câu hỏi này như sau:

  • Nêu thời gian làm việc, số năm kinh nghiệm của bạn ở vị trí tuyển dụng. Kinh nghiệm của bạn càng cao thì cơ hội trúng tuyển càng lớn.
  • Nêu những thành tích cá nhân mà bạn từng đạt được cũng là một yếu tố quan trọng góp phần tăng khả năng trúng tuyển của bạn hơn.
  • Kể đến những ưu điểm về tính cách mà một điều dưỡng viên cần có: kiên nhẫn, cẩn thận, khả năng tập trung cao, nhanh nhẹn và có nghiệp vụ điều dưỡng tốt.
  • Với những yếu điểm của bản thân thì bạn cũng đừng nên lo lắng khi thể hiện. Cách trả lời thông minh là bạn đưa ra những điều có thể chấp nhận, ít ảnh hưởng đến công việc. Bạn không nên nói toàn bộ nhược điểm của bản thân… Tất cả đều cần được trình bày ngắn gọn, hợp lý và dễ hiểu.

Lý Do nào khiến cho bạn nghỉ việc tại phòng khám bệnh cũ?

Câu hỏi này là căn cứ để nhà tuyển dụng đánh giá tính cách và lối tư duy của bạn xem có phù hợp với công việc hay không. Với câu hỏi này bạn cũng nên cân nhắc nếu không họ sẽ nghĩ bạn là người hay “nhảy việc”.

Gợi ý một số lý do có thể đưa ra như là: Muốn về gần nhà, muốn thay đổi môi trường làm việc để học hỏi thêm kinh nghiệm…

Bạn hãy cho biết những nhiệm vụ của người điều dưỡng là gì?

Đây là một trong những câu hỏi phỏng vấn ngành điều dưỡng mà bạn có thể sẽ gặp phải. Một câu trả lời như thế nào để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng? Bạn cần phải nêu đầy đủ các công việc của người điều dưỡng một cách ngắn gọn.

  • Đầu tiên là tư vấn, hướng dẫn giáo dục sức khỏe cho người bệnh.
  • Thứ hai là chăm sóc về tinh thần cho bệnh nhân để tạo nên sự tin tưởng và yêu quý của bệnh nhân cho phòng khám.
  • Thứ ba là theo dõi và chăm sóc bệnh nhân trong phòng, chuẩn bị đầy đủ tư trang cần thiết như chăn, gối hay quần áo cho bệnh nhân,..

Bạn có dự định nghề nghiệp gì trong tương lai?

Đối với câu hỏi này, bạn cần trả lời có định hướng cụ thể, và câu trả lời của bạn nhất định phải liên quan đến vị trí bạn đang ứng tuyển.

Gợi ý trả lời tham khảo:

"Với những kinh nghiệm thực chất em có được cùng với những kiến thức và kỹ năng trình độ em được học, được làm tại đây, em sẽ phấn đấu để sau hai năm tới em sẽ trở thành một bác sĩ điều dưỡng giỏi”.

Bạn có nhu cầu nhận được mức thu nhập là bao nhiêu?

Mức lương là điểm khá nhạy cảm vì vậy bạn cần cẩn trọng trước khi đưa ra câu trả lời. Đưa ra một mức lương thấp có thể các bạn sẽ bị thiệt, nhưng nếu như bạn đưa ra một mức lương quá cao có thể khiến nhà tuyển dụng vứt bỏ ngay lập tức. 

Gợi ý trả lời tham khảo:

"Thưa anh/chị, trong hồ sơ em có ghi rõ mức lương lúc còn công tác ở bệnh viện ABC. Em mong muốn công ty mình sẽ trả cho em mức lương không thấp hơn số lương đó và tương xứng với các vai trò công việc mà em sẽ đảm nhận."

Câu hỏi phỏng vấn nhân viên y tế kỹ thuật viên xét nghiệm

Câu hỏi phỏng vấn nhân viên y tế kỹ thuật viên xét nghiệm - ViecLamVui

Sau đây là những câu hỏi thường xuyên được sử dụng khi phỏng vấn kỹ thuật viên xét nghiệm:

  • Vui lòng cho chúng tôi biết về bản thân bạn/anh/chị?
  • Những điểm mạnh lớn nhất của anh/chị là gì?
  • Những điểm yếu lớn nhất của anh/chị là gì?
  • Anh/chị mong muốn lương và các chế độ như thế nào?
  • Tại sao anh/chị lại rời bỏ công việc trước?
  • Hãy cho chúng tôi biết về mục tiêu nghề nghiệp của anh/chị?
  • Anh/chị đã học hỏi được những gì từ kinh nghiệm/công việc trước đây (hoặc một công việc cụ thể nào đó)?
  • Tại sao anh/chị lại ứng tuyển vào vị trí Kỹ thuật viên xét nghiệm?
  • Kỹ thuật viên xét nghiệm thì làm những công việc gì?
  • Anh/chị đã biết sử dụng được những máy móc xét nghiệm nào rồi?
  • Theo anh/chị, thì 3 kỹ năng quan trọng nhất cho Kỹ thuật viên xét nghiệm là gì?
  • Anh chị hãy nêu các công cụ, phương pháp được sử dụng cho Kỹ thuật viên xét nghiệm là gì? Xin vui lòng giải thích làm thế nào để anh/chị sử dụng chúng?
  • ISO 9001 là gì, làm thế nào để anh/chị áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001 cho công việc Kỹ thuật viên xét nghiệm?
  • Anh chị hãy cho biết các lỗi thường gặp trong công việc Kỹ thuật viên xét nghiệm? Và anh chị sẽ có giải pháp xử lý chúng như thế nào?
  • Hãy cho chúng tôi biết kinh nghiệm của anh/chị liên quan đến Kỹ thuật viên xét nghiệm?
  • Anh/chị để làm gì để nâng cao kiến thức cho công việc Kỹ thuật viên xét nghiệm?
  • Anh chị hãy mô tả tối đa 7 nguyên tắc làm việc của anh/chị?
  • Anh/chị có câu hỏi nào cho chúng tôi không?

Các câu hỏi phỏng vấn tình huống ngành y tế

Sau đây là những câu hỏi phỏng vấn tình huống ngành y tế và gợi ý cách trả lời khéo léo, thuyết phục

Các câu hỏi phỏng vấn tình huống ngành y tế - ViecLamVui

Anh/chị hãy cho biết làm thế nào để mời người nhà ra khỏi buồng bệnh khi họ đang sốt ruột vì tình trạng sức khoẻ của người thân?

Gợi ý cách trả lời xử lý tình huống: Cần có thái độ nhẹ nhàng, câu nói phải có đủ chủ ngữ, giải thích thời gian, việc cần thiết của việc người nhà ở khu vực chờ và chỉ rõ nội quy của bệnh viện, khoa buồng.

Anh/chị sẽ làm như thế nào khi bệnh nhân không hợp tác điều trị nói chung (ví dụ: rửa dạ dày ngộ độc cấp)?

Gợi ý cách trả lời xử lý tình huống: Giải thích, động viên cho bệnh nhân và người nhà việc cần thiết của việc điều trị và nguy cơ hậu quả nếu không hợp tác. Trong trường hợp cần thiết, có thể dùng biện pháp cưỡng chế, cố định bệnh nhân hay dùng an thần để thực hiện thủ thuật cấp cứu nhằm đảm bảo cho tính mạng của bệnh nhân.

Anh/chị xử lý như thế nào khi bệnh nhân không có người nhà, đang điều trị bệnh và tự ý bỏ về

Gợi ý cách trả lời xử lý tình huống: Cần báo cáo ngay với trưởng khoa về trường hợp xảy ra, xin hướng giải quyết, kết hợp báo ngay bảo vệ để giữ bệnh nhân lại điều trị. Trường hợp ngoài giờ, báo cáo trực lãnh đạo bệnh viện và xin ý kiến chỉ đạo.

Anh/chị xử lý như thế nào trong trường hợp khi đang cấp cứu bệnh nhân đông và nặng, có đồng nghiệp khoa khác đưa người nhà có bệnh không phải cấp cứu đến khám, xin được làm ngay thủ tục?

Gợi ý cách trả lời xử lý tình huống: Giải thích với đồng nghiệp đơi một chút để giải quyết những bệnh nhân đang làm, cấp cứu xong sẽ làm ngay cho người nhà đồng nghiệp. Đưa bệnh nhân là người quen đồng nghiệp vào buồng bệnh riêng để khám và làm thủ tục hành chính. Tránh sự chú ý và ý kiến của bệnh nhân và người nhà khác.

Anh/chị sẽ xử lý tình huống người nhà bệnh nhân có ý định gặp riêng, cảm ơn bằng phong bì như thế nào?

Gợi ý cách trả lời xử lý tình huống: Cảm ơn người nhà bệnh nhân trước, không nhận phong bì. Động viên người nhà bệnh nhân yên tâm, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người nhà bệnh nhân tại buồng giao ban, buồng bệnh.

Hãy cho biết cách xử lý của bạn khi gặp tình huống bệnh nhân có bảo hiểm y tế vào viện cấp cứu nhưng không mang theo thẻ bảo hiểm y tế, sau đó không chịu nộp viện phí do bệnh nhân nghĩ mình có bảo hiểm y tế?

Gợi ý cách trả lời xử lý tình huống: Luôn giữ thái độ tiếp đón nhẹ nhàng, xưng hô đúng đầy đủ chức danh, thực hiện cấp cứu nhanh chóng, phân loại bệnh hợp lý. Giải thích chế độ bảo hiểm y tế cho gia đình người bệnh hiểu. Trường hợp người bệnh và gia đình người bệnh vẫn không hợp tác, báo cáo bác sĩ trực chính hoặc xin ý kiến chỉ đạo của trực lãnh đạo.

Hãy cho biết cách xử lý của anh/chị trong tình huống bệnh nhân bị tai nạn giao thông được người đi đường đưa vào viện trong tình trạng bất tỉnh, kèm theo có nhiều tài sản giá trị?

Gợi ý cách trả lời xử lý tình huống: Luôn uu tiên cấp cứu người bệnh hàng đầu. Mời người đưa người bệnh vào viện hoặc người nhà bệnh nhân khác chứng kiến để phối hợp lập biên bản bàn giao tài sản bệnh nhân. Thực hiện niêm phong tài sản. Sau đó, tìm thông tin để liên hệ gia đình nạn nhân và bàn giao tài sản.

Khi bệnh nhân vào cấp cứu và tử vong khi đang cấp cứu, gia đình bệnh nhân không kiềm chế được đau đớn, mất mát người thân gây áp lực với cán bộ y tế thì anh/chị sẽ xử lý như thế nào?

Gợi ý cách trả lời xử lý tình huống: Luôn có thái độ cấp cứu chuyên nghiệp kịp thời phối hợp, đồng thời giải thích rõ về nguyên nhân tử vong với người nhà bệnh nhân. Báo cáo kịp thời lãnh đạo, người quản lý và người có năng lực chuyên môn cao giải quyết khi xảy ra căng thẳng nhiều. Đưa người nhà bệnh nhân vào vị trí riêng, tránh ảnh hưởng tâm lý đến bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khác. Luôn phối hợp giữa nhân viên với người nhà người bệnh. Hoàn tất thủ tục hành chính nhanh chóng để hạn chế không khí căng thẳng và gây chú ý.

Toàn bộ công nhân của xí nghiệp A bị ngộ độc thức ăn sau bữa ăn tập thể vào viện trong tình trạng quá tải. Bệnh nhân vào nhiều, ồ ạt cán bộ khoa cấp cứu không đáp ứng đủ nhu cầu khám và điều trị của người bệnh. Anh/chị xử lý tình huống này ra sao?

Gợi ý cách trả lời xử lý tình huống: Báo cáo kịp thời lãnh đạo khoa, lãnh đạo bệnh viện xin ý kiến chỉ đạo. Thự hiện phân loại bệnh nhân, ưu tiên hàng đầu bệnh nhân theo biểu hiện của bệnh nguy kịch, nặng, nhẹ,… Giải thích, động viên với bệnh nhân và người nhà thông cảm vì tình trạng quá tải. Huy động tăng cường cán bộ, trang thiết bị, thuốc vật tư tiêu hao phục vụ bệnh nhân một cách nhanh chóng và tốt nhất.

Nhiều bệnh nhân cấp cứu cùng thời điểm, áp lực bệnh nặng và số lượng bệnh nhân nhiều với cán bộ khoa cấp cứu. Một vài người nhà bức xúc vì không nhận được sự quan tâm nhiệt tình chu đáo của cán bộ y tế. Anh/chị xử lý tình huống này thế nào?

Gợi ý cách trả lời xử lý tình huống: Luôn giữ thái độ tinh thần khéo léo, ân cần, nhẹ nhàng khi tiếp xúc người bệnh, người nhà bệnh nhân. Gải thích cho người nhà người bệnh hiểu thứ tự ưu tiên với những trường hợp nguy kịch. Tăng cường nhân lực để đáp ứng nhu cầu người bệnh một cách nhanh chóng và tốt nhất.

1001 CÂU HỎI PHỎNG VẤN

Tổng hợp những câu hỏi phỏng vấn tuyển dụng viên chức y tế, nhân viên y tế học đường, điều đưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệp ✓ Câu hỏi phỏng vấn nhân viên y tế có gợi ý cách trả lời tham khảo giúp ứng viên tự tin hơn trước nhà tuyển dụng

Trên đây là những câu hỏi phỏng vấn nhân viên y tế và gợi ý cách trả lời thuyết phục, ViecLamVui - chuyên trang tìm việc nhanh miễn phí - gửi đến bạn. Hy vọng tài liệu trên có thể hỗ trợ các bạn thật hiệu quả.

#CauHoiPhongVanNhanVienYTe #CácCauHoiPhongVanNganhYTe #ViecLamYTe #ViecLamVui

Bạn có thể đăng tin tuyển dụng miễn phí, tìm việc làm miễn phí các vị trí công việcViệc làm Y tế. Bài viết thuộc danh mụcBlog Việc làm Y tế trên ViecLamVui