Logo

Bảo hiểm xã hội - Cách tính lương bảo hiểm xã hội - Những thông tin về luật BHXH mới nhất

Lượt xem: 532
Ngày đăng: 17/03/2024

Theo thống kê từ ViecLamVui - cổng thông tin việc làm trực tuyến có lượng truy cập cao hàng đầu hiện nay - có hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm trên cả nước. Số doanh nghiệp này cũng chính là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của luật bảo hiểm xã hội Việt Nam. Bài viết này mong muốn được chia sẽ những thông tin về luật bảo hiểm xã hội mới nhất đến cộng đồng doanh nghiệp và người lao động với hy vọng sẽ giúp cho các doanh nghiệp cũng như người lao động hiểu rõ hơn về việc tham gia bảo hiểm xã hội theo đúng quy định của pháp luật.

Luật bảo hiểm xã hội mới nhất - Góc nghề nghiệp ViecLamVui

Bảo hiểm xã hội - Những khái niệm cần biết

Đối với người lao động khi công tác tại các cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp hay tại các công ty tư nhân đều bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội. Ngay cả đối với lao động tự do, nếu có nhu cầu thì vẫn có thể tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Để hiểu hơn về bảo hiểm xã hội, chúng ta cùng tìm hiểu về một số khái niệm trong lĩnh vực này nhé.

Bảo hiểm xã hội

Theo Luật Bảo hiểm xã hội, khái niệm về bảo hiểm xã hội được hiểu là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Về mặt pháp lý, chế độ bảo hiểm xã hội chính là tổng hợp những quy định của pháp luật do nhà nước ban hành, nhằm quy định về các hình thức đảm bảo về vật chất và tinh thần cho người lao động hoặc người thân trong gia đình người lao động khi họ bị mất hoặc giảm đi một phần khả năng lao động.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện

Đối với công dân từ 15 tuổi trở lên mà không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì đều có thể tham gia BHXH tự nguyện. Bảo hiểm xã hội tự nguyện được hiểu là loại hình bảo hiểm do nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình.

Sổ bảo hiểm xã hội

Sổ bảo hiểm xã hội là sổ được cấp cho từng người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ BHXH, là cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Mã số bảo hiểm xã hội

Theo quy định mới nhất, mã số bảo hiểm xã hội là mã định danh duy nhất được cấp cho một cá nhân ghi nhận quá trình tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN và các chế độ, chính sách được hưởng trọn đời. Mã số BHXH được cấp từ cho trẻ em được sinh ra sử dụng thẻ BHYT cho đến đối tượng hưu trí, hưởng tử tuất. Vì vậy, đối với người lao động đã tham gia BHXH và đã có sổ BHXH thì số sổ BHXH chính là mã số bảo hiểm xã hội của người lao động.

Bảo hiểm xã hội điện tử

Bảo hiểm xã hội điện tử được hiểu là việc các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức phải kê khai và nộp hồ sơ bảo hiểm qua mạng. Hồ sơ bảo hiểm điện tử được các cơ quan bảo hiểm chấp nhận và có giá trị tương đương như những hồ sơ giấy của người tham gia BHXH nộp trực tiếp tại các cơ quan bảo hiểm.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam - Luật bảo hiểm xã hội mới nhất và những thay đổi quan trọng về chính sách

Luật bảo hiểm xã hội mới nhất sẽ có nhiều thay đổi về chính sách luật bảo hiểm xã hội mà người lao động và người sử dụng lao động cần nắm rõ để thực hiện đúng, không vi phạm pháp luật và đảm bảo được đầy đủ chế độ cho người lao động.

Quy định đóng bảo hiểm xã hội

Việc tham gia BHXH đã được quy định rõ ràng trong luật để đảm bảo sự công bằng cho người tham gia bảo hiểm xã hội. Theo đó, người lao động làm việc trong bất kỳ lĩnh vực ngành nghề nào từ việc làm kế toán, việc làm văn phòng, việc làm sản xuất cho đến lĩnh vực việc làm có tính chuyên môn như việc làm giáo dục, việc làm IT hay công nhân lao động phổ thông đều phải tham gia BHXH bắt buộc.

Quy định đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Theo Luật Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm xã hội Việt Nam không phân biệt người lao động là công dân Việt Nam hay công dân nước ngoài đều thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHXH. Cụ thể là

1. Người lao động

Công dân Việt Nam

  • Người làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn.
  • Người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn.
  • Người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi.
  • Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng.
  • Cán bộ, công chức, viên chức.
  • Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.
  • Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân.
  • Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí.
  • Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
  • Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.
  • Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

Công dân nước ngoài

  • Người làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động/chứng chỉ hành nghề/giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

2. Người sử dụng lao động

Sau đây là 05 nhóm người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:

  • Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.
  • Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác.
  • Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
  • Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác.
  • Cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Quy định đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Công dân từ 15 tuổi trở lên mà không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì đều có thể tham gia BHXH tự nguyện. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hưởng 02 chế độ là hưu trí và tử tuất; không có các chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động.

Mức đóng bảo hiểm xã hội

Cùng với sự thay đổi về chính sách tiền lương theo quy định, mức đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động và người sử dụng lao động cũng sẽ có sự điều chỉnh. 

Mức lương đóng bảo hiểm xã hội năm 2021 đối với bảo hiểm xã hội bắt buộc

Mức lương tháng đóng BHXH bắt buộc sẽ căn cứ vào việc người lao động thuộc đối tượng nào sau đây:

  • Người thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định thì mức lương tháng đóng BHXH là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc, quân hàm và các khoản phụ cấp khác (nếu có).
  • Người thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì mức lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Mức đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng được xác định theo công thức tính: 

Mức đóng hàng tháng = Mức lương tháng đóng BHXH x Tỷ lệ trích đóng BHXH

Trong đó:

  • Tỷ lệ trích đóng BHXH vào lương của người lao động: 8%
  • Tỷ lệ trích vào chi phí của người sử dụng lao động: 17.5%.

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện mới nhất

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng 22% mức thu nhập tháng do cá nhân tham gia BHXH tự nguyện chọn lựa căn cứ theo các mức sau:

  • Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (700.000 đồng).
  • Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (29.800.000 đồng).

Theo đó, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất là 154.000 đồng/tháng và mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cao nhất là 6.556.000 đồng/tháng.

Đóng bảo hiểm xã hội bao nhiêu năm thì đủ?

Từ năm 2019, một số điều chỉnh về chính sách hưởng lương hưu của lao động nữ sẽ được áp dụng. Theo đó, lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ năm 2018 - 2021 có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm đến 29 năm 06 tháng sẽ được điều chỉnh lương hưu.

Mức điều chỉnh lương hưu của lao động nữ được tính bằng mức lương hưu thời điểm bắt đầu người lao động hưởng lương hưu nhân với tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đã đóng BHXH và thời điểm hưởng lương hưu. Như vậy, nếu người lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2019 thì tỷ lệ điều chỉnh cao nhất là 9,23 % và tỷ lệ điều chỉnh thấp nhất là 0,81%, tùy thuộc vào thời gian đã đóng BHXH.

Quy định về đóng BHXH

Tra cứu bảo hiểm xã hội

Sau đây là hướng dẫn tra cứu thông tin bảo hiểm xã hội để bạn có thể tham khảo khi cần nhé.

Tra cứu mã số bảo hiểm xã hội trực tuyến

Bạn có thể tra cứu mã số bảo hiểm xã hội trực tiếp trên cổng thông tin điện tử của bảo hiểm xã hội Việt Nam theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang thông tin điện tử của bảo hiểm xã hội Việt Nam

Bước 2: Thực hiện tra cứu thông tin người tham gia theo các chỉ tiêu thông tin:

  • Tỉnh/TP: Căn cứ theo địa chỉ khai sinh/hộ khẩu thường trú/ hộ khẩu tạm trú nơi kê khai thông tin hộ gia đình
  • Họ và tên người tham gia
  • Ngày/tháng/năm sinh
  • Mã xác thực

Bấm nút "Tra cứu"

Bước 3: Sẽ có 03 tình huống phát sinh khi tra cứu thông tin người lao động như sau:

  • Trường hợp 1: Người lao động được đã được cấp mã số BHXH trùng với số sổ BHXH (nếu có). Như vậy người tham gia có thể sử dụng luôn mã số BHXH này thay thế toàn bộ thông tin quản lý liên quan đến số sổ BHXH và mã thẻ BHYT.
  • Trường hợp 2:  Người lao động được cấp mã số BHXH nhưng khác thông tin số sổ BHXH đã có từ trước, đơn vị thực hiện rà soát mã số BHXH cho người tham gia để đồng bộ lại mã số theo số sổ BHXH.
  • Trường hợp 3:  Không tra cứu được mã số BHXH của người tham gia. Đơn vị thực hiện rà soát để cấp mã số BHXH cho người tham gia.

Tra cứu số sổ bảo hiểm xã hội online

Đối với người lao động đã tham gia BHXH và đã có sổ BHXH thì số sổ BHXH chính là mã số bảo hiểm xã hội của người lao động. Vì vậy, người lao động có thể thực hiện các bước tra cứu số sổ bảo hiểm xã hội online theo các bước như hướng dẫn tra cứu mã số bảo hiểm xã hội.

Tra cứu quá trình đóng bảo hiểm xã hội

BHXH Việt Nam đã triển khai tra cứu trực tuyến quá trình đóng của người lao động tham gia BHXH cụ thể là thời gian đóng, mức đóng, đơn vị công tác,... giúp người lao động có thể kiểm tra xem đơn vị sử dụng lao động có tham gia BHXH cho mình theo đúng quy định hay không. Cách tra cứu như sau:

Bước 1: Truy cập vào trang web của bảo hiểm xã hội. Tích chọn tra cứu trực tuyến. Sau đó, tích chọn tra cứu quá trình tham gia BHXH.

Bước 2: Thực hiện tra cứu thông tin người tham gia theo các chỉ tiêu thông tin:

  • Tỉnh/TP: Căn cứ vào địa chỉ đơn vị đóng BHXH
  • Cơ quan BHXH quản lý
  • Từ tháng - Đến tháng: Thời gian muốn tra cứu quá trình đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ-BNN
  • Số CMND/CCCD
  • Họ tên
  • Mã số BHXH
  • SĐT nhận OTP: Số điện thoại của NLĐ đã đăng ký thông tin cá nhân với cơ quan BHXH
  • Mã xác thực (hiển thị trên màn hình)

Bạn bấm chọn lấy mã OTP.

Bước 3: Nhận mã OTP theo số điện thoại người lao động đã đăng ký với cơ quan BHXH và bấm tra cứu.

Bước 4: Kết quả tra cứu sẽ có 02 trường hợp xảy ra là:

  • Trường hợp 1: Không tra cứu được quá trình tham gia BHXH của người lao động. Trường hợp này người lao động liên hệ với đơn vị sử dụng lao động đang tham gia BHXH để phối hợp với cơ quan BHXH chỉnh sửa dữ liệu.
  • Trường hợp 2: Tra cứu được quá trình tham gia BHXH của người lao động.

Thủ tục đăng ký bảo hiểm xã hội

Tham gia bảo hiểm xã hội là trách nhiệm của mọi doanh nghiệp khi sử dụng lao động. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng nắm rõ thủ tục đăng ký BHXH lần đầu, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động. 

Hồ sơ làm bảo hiểm xã hội

Đối với người lao động: Người lao động nộp cho người sử dụng lao động 01 bộ hồ sơ gồm đầy đủ các giấy tờ:

  • Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo mẫu quy định.
  • Trường hợp được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế cao hơn thì bổ sung giấy tờ chứng minh (nếu có).

Đối với người sử dụng lao động: Sau khi nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động tập hợp cùng các giấy tờ:

  • Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo mẫu quy định
  • Danh sách lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo mẫu quy định.
  • Bảng kê thông tin theo mẫu quy định.

Cách đăng ký bảo hiểm xã hội lần đầu qua mạng

Doanh nghiệp có thể lựa chọn nộp hồ sơ bảo hiểm xã hội theo một trong các hình thức như: qua giao dịch điện tử, qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan BHXH. 

Nếu bạn lựa chọn phương thức đăng ký bảo hiểm xã hội qua giao dịch điện tử, bạn cần thực hiện lập hồ sơ bằng phần mềm kê khai của BHXH Việt Nam; thực hiện ký điện tử trên hồ sơ. Sau đó, gửi đến cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam.

Cách nộp hồ sơ và đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Nộp hồ sơ bảo hiểm xã hội tự nguyện

  • Đối với người lao động mới tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lần đầu, bạn chỉ cần thực hiện tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động và nộp tại cơ quan bảo hiểm xã hội.
  • Đối với người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nay chuyển sang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bạn cần thực hiện tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT theo mẩu quy định và nộp tờ khai tại cơ quan bảo hiểm xã hội.

Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Người lao động được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để tham gia BHXH tự nguyện:

  • Hằng tháng
  • 03 tháng một lần
  • 06 tháng một lần
  • 12 tháng một lần
  • Một lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hằng tháng hoặc một lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hằng tháng so với quy định của Luật BHXH Việt Nam.

Cách tính BHXH 1 lần theo hệ số

Thay vì hình thức tham gia BHXH và chờ đủ tuổi lĩnh lương hưu, nhiều người lao động hiện nay lại muốn đăng ký nhận bảo hiểm xã hội một lần vì những lý do cá nhân. Bạn có thể tham khảo thêm những thông tin mà ViecLamVui đã tổng hợp được để hiểu thêm về  hình thức bảo hiểm xã hội 1 lần nhé

Điều kiện rút bảo hiểm xã hội 1 lần

Có 06 trường hợp người tham gia BHXH được rút BHXH 1 lần như sau

  • Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH.
  • Đủ 55 tuổi mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện (đối với lao động nữ hoạt động ở xã, phường, thị trấn).
  • Ra nước ngoài để định cư.
  • Người đang bị mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.
  • Công an, bộ đội khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
  • Người tham gia BHXH bắt buộc sau 01 năm nghỉ việc hoặc tham gia BHXH tự nguyện sau 01 năm không tiếp tục đóng mà chưa đủ 20 năm đóng.

Mức hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần

Theo quy định, mức hưởng trợ cấp BHXH 1 lần được tính theo số năm tham gia BHXH. Công thức tính là:

Mức hưởng = (1,5 x Mức bình quân lương tháng x thời gian tham gia BHXH trước năm 2014) + (2 x Mức bình quân lương tháng x thời gian tham gia BHXH từ năm 2014)

Thủ tục nhận bảo hiểm xã hội 1 lần

Để được nhận BHXH 1 lần bạn cần tiến hành theo các thủ tục sau

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ bảo hiểm xã hội 1 lần

Người lao động cần chuẩn bị hồ sơ rút bảo hiểm xã hội gồm những giấy tờ sau:

  • Sổ bảo hiểm xã hội bản chính
  • Đơn đề nghị hưởng BHXH một lần theo mẫu quy định
  • CMND, sổ hộ khẩu hoặc tạm trú để đối chiếu
  • Đối với người ra nước ngoài định cư cần có thêm một trong các loại giấy tờ như: Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam; bản dịch tiếng Việt được chứng thực hoặc công chứng của một trong các giấy tờ: hộ chiếu, thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp có xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lý do định cư ở nước ngoài; Giấy tờ xác nhận về việc đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài; giấy tờ xác nhận hoặc thẻ thường trú, cư trú có thời hạn từ 05 năm trở lên của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp.
  • Đối với người lao động mắc bệnh nguy hiểm tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế: Trích sao hồ sơ bệnh án.

Bước 2: Nộp hồ sơ tại cơ quan bảo hiểm xã hội

Người lao động nộp hồ sơ rút bảo hiểm xã hội 1 lần tại  cơ quan BHXH cấp huyện nơi người lao động có sổ hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú.

Bước 3: Chờ giải quyết hồ sơ và nhận kết quả

Cơ quan bảo hiểm xã hội có thẩm quyền sẽ giải quyết hồ sơ của người lao động và tổ chức chi trả tiền bảo hiểm xã hội 1 lần trong thời gian 10 ngày tính từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Thủ tục rút bảo hiểm xã hội 1 lần

Thông tin các cơ quan bảo hiểm xã hội ở các tỉnh, thành

Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh

Tên Cơ quan Địa chỉ Điện thoại
Bảo hiểm xã hội quận 1 Số 35 Lý Văn Phức, Phường Tân Định, Quận 1, TP.HCM (028) 3820 3747
Bảo hiểm xã hội quận 2 400 Đồng Văn Cống, Phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2, TP.HCM (028) 3743 0056
Bảo hiểm xã hội quận 3 386/79 Lê Văn Sỹ, Phường 14, Quận 3, TP.HCM (028) 3846 5079
Bảo hiểm xã hội quận 4 64 Nguyễn Tất Thành, Phường 12, Quận 4, TP.HCM (028) 3826 4993
Bảo hiểm xã hội quận 5 187 Lương Nhữ Học, Phường 11, Quận 5, TP.HCM (028) 3950 8860
Bảo hiểm xã hội quận 6 152 Phạm Văn Chí, Phường 4, Quận 6, TP.HCM (028) 3854 3385
Bảo hiểm xã hội quận 7 136 Huỳnh Tấn Phát, Phường Tân Thuận Tây, Quận 7, TP.HCM (028) 3785 0110
Bảo hiểm xã hội quận 8 Số 9 Đường 1011, Phường 5, Quận 8, TP.HCM (028) 3850 0750
Bảo hiểm xã hội quận 9 442 Lê Văn Việt, Phường Tăng Nhơn Phú A, Quận 9, TP.HCM (028) 3736 1890
Bảo hiểm xã hội quận 10 Số 781 Đường Lê Hồng Phong (nối dài), Phường 12, Quận 10, TP.HCM (028) 3863 2879
Bảo hiểm xã hội quận 11 5 – 7 Hàn Hải Nguyên, Phường 16, Quận 11, TP.HCM (028) 3963 0620
Bảo hiểm xã hội quận 12 Số 314 Lê Thị Riêng, Phường Thới An, Quận 12, TP.HCM (028) 3717 4522
Bảo hiểm xã hội quận Bình Thạnh 30 Nguyễn Thiện Thuật, Phường 24, Quận Bình Thạnh, TP.HCM (028) 3551 0125
Bảo hiểm xã hội quận Bình Tân 530 Kinh Dương Vương, Phường An Lạc A, Quận Bình Tân, TP.HCM (028) 3875 4475
Bảo hiểm xã hội quận Gò Vấp 135 Phạm Văn Đồng, Phường 3, Quận Gò Vấp, TP.HCM (028) 3985 7976
Bảo hiểm xã hội quận Phú Nhuận 40G Phan Đình Phùng, Phường 2, Quận Phú Nhuận, TP.HCM (028) 3995 1764
Bảo hiểm xã hội quận Tân Bình 300 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 01, Quận Tân Bình, TP.HCM  (028) 3997 4036
Bảo hiểm xã hội quận Tân Phú 52/30 Thoại Ngọc Hầu, Phường Hoà Thạnh, Quận Tân Phú, TP.HCM (028) 3976 0381
Bảo hiểm xã hội Quận Thủ Đức 22 Đường số 6, KP.5, Phường Linh Chiểu, Quận Thủ Đức, TP.HCM (028) 3896 2585
Bảo hiểm xã hội huyện Bình Chánh 1 đường số 4, Trung tâm hành chính Huyện, Thị Trấn Tân Túc, Huyện Bình Chánh, TP.HCM (028) 3760 2303
Bảo hiểm xã hội Nhà Bè 424/4 Đường Nguyễn Bình, Ấp 1, Xã Phú Xuân, Huyện Nhà Bè, TP.HCM (028) 3777 0061

 

Bảo hiểm xã hội Bình Dương

Tên Cơ quan Địa chỉ Điện thoại
Bảo hiểm xã hội Bình Dương 17 Khu 2 Đường Lê Duẩn, Phường Hòa Phú, Tp. Thủ Dầu Một, Bình Dương (0274) 389 6969

Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai

Tên Cơ quan Địa chỉ Điện thoại
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai 219 Hà Huy Giáp, P. Quyết Thắng, TP. Biên Hòa, Đồng Nai (0251) 3927 342

Bảo hiểm xã hội Cần Thơ

Tên Cơ quan Địa chỉ Điện thoại
Bảo hiểm xã hội Cần Thơ 138x/20 Nguyễn Văn Cừ,  P.  An Khánh Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ (0292) 3823 740

Bảo hiểm xã hội Hà Nội

Tên Cơ quan Địa chỉ Điện thoại
Bảo hiểm xã hội quận Đống Đa 44 Trần Hữu Tước, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội (024) 3974 7409
Bảo hiểm xã hội quận Thanh Xuân Nhà E14 Thanh Xuân Bắc, Ngõ 11, Phố Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, Hà Nội (024) 3554 0602
Bảo hiểm xã hội quận Hai Bà Trưng 23 Giải Phóng, Đồng Tâm, Hai Bà Trưng, Hà Nội (024) 3628 5573 
Bảo hiểm xã hội Cầu Giấy 6 Trần Đăng Ninh, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội (024) 3793 0209

Bảo hiểm xã hội Hải Phòng

Tên Cơ quan Địa chỉ Điện thoại
Bảo hiểm xã hội Hải Phòng Số 2a Thất Khê, Phường Minh Khai, Quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng (0225) 3822 473

Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng

Tên Cơ quan Địa chỉ Điện thoại
Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Hoà Cường Nam, Hải Châu, Đà Nẵng  

Bảo hiểm xã hội Gia Lai

Tên Cơ quan Địa chỉ  Điện thoại
Bảo hiểm xã hội Gia Lai 189B Phạm Văn Đồng, P. Hoa Lư, TP. Pleiku, Gia Lai (0269) 3821 320

Các câu hỏi thường gặp về bảo hiểm xã hội

Mất sổ bảo hiểm xã hội thì cần phải làm gì?

Sổ bảo hiểm xã hội để ghi chép các thông tin về quá trình tham gia bảo hiểm xã hội từ khi bắt đầu đóng đến khi dừng đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Vì vậy, nếu người lao động bị mất sổ bảo hiểm xã hội vì những nguyên nhân khách quan thì có thể làm thủ tục để xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội đã bị mất. Hồ sơ xin cấp lại sổ BHXH gồm những giấy tờ như sau:

  • Đơn có xác nhận của chính quyền địa phương nơi hiện nay đang cư trú hoặc có sự xác nhận của công an nơi cư trú để trình báo về việc mất sổ bảo hiểm xã hội.
  • Tờ khai theo mẫu do bộ lao động thương binh xã hội khi tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
  • Đơn đề nghị cấp lại sổ bảo hiểm xã hội theo mẫu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của địa phương như công an xã, phường, thị trấn hoặc ủy ban nhân dân xã phường, thị trấn.
  • Giấy xác nhận các quá trình mà mình đã tham gia bảo hiểm xã hội của cơ quan bảo hiểm xã hội nơi người lao động đóng bảo hiểm xã hội.
  • Xác nhận chưa được hưởng chế độ trợ cấp một lần theo quy định của cơ quan bảo hiểm xã hội tại địa phương cư trú.
  • Bản sao chứng minh nhân nhân hoặc căn cước công dân còn giá trị sử dụng kèm theo bản chính theo quy định.

Không đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt như thế nào?

Nếu người lao động đã ký hợp đồng từ đủ 1 tháng trở lên mà đơn vị sử dụng lao động không thực hiện việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì sẽ bị xử lý theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội như sau:

  • Phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.
  • Phạt tiền đối với công ty từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nếu doanh nghiệp không đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động.
  • Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nếu doanh nghiệp không đóng cho một số trường hợp người lao động.

Giám đốc, người quản lý doanh nghiệp có bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội không?

Căn cứ theo quy định về tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, giám đốc công ty, người quản lý doanh nghiệp nếu có hưởng lương thì phải tham gia BHXH bắt buộc. 

Người lao động mới đóng bảo hiểm xã hội 6 tháng có rút được không?

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, nếu người lao động đáp ứng đủ điều kiện là sau một năm bạn nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH thì sẽ được rút bảo hiểm xã hội 1 lần với mức hưởng bảo hiểm xã hội như sau:

  • Trường hợp thời gian đóng BHXH dưới 6 tháng (đến đủ 6 tháng) sẽ được tính là nửa năm. Khi đó người lao động sẽ được hưởng 1/2 của 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội.
  • Trường hợp thời gian đóng BHXH từ 6 tháng thì sẽ được tính là một năm đóng BHXH. Khi đó, người lao động sẽ được hưởng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đủ bao nhiêu năm thì được hưởng lương hưu?

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội Việt Nam, người tham gia BHXH tự nguyện được nhận lương hưu khi đáp ứng đủ 02 điều kiện:

  • Về độ tuổi: Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ Luật lao động (ví dụ: người lao động nghỉ hưu năm 2021, trong điều kiện bình thường phải đủ 60 tuổi 03 tháng với lao động nam, đủ 55 tuổi 04 tháng với lao động nữ).
  • Về thời gian đóng: Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.

Nếu người tham gia BHXH tự nguyện đã đủ điều kiện về tuổi nhưng thời gian đóng chưa đủ 20 năm thì phải đóng cho đến khi đủ 20 năm.

Người lao động đóng bảo hiểm bao nhiêu năm thì được hưởng lương hưu?

Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định như sau:

Đối với những trường hợp bình thường: Người lao động được hưởng lương hưu khi có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ Luật lao động.

Đối với những trường hợp đặc biệt: Người lao động được nghỉ hưu khi có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Nam đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.
  • Từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm khai thác than trong hầm lò.
  • Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
  • Lao động nữ hoạt động ở xã, phường, thị trấn có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH và đủ 55 tuổi sẽ được hưởng lương hưu.

Thời gian thử việc có phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không?

Căn cứ theo quy định của Bộ luật lao động, người lao động và người sử dụng lao động có thể ký kết hợp đồng thử việc trên cơ sở thoả thuận về việc làm thử, quyền và nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Thời hạn hợp đồng thử việc không quá 60 ngày.

Theo quy định, nội dung của hợp đồng thử việc chỉ bao gồm: công việc, địa điểm làm việc, mức lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi… và không có nội dung về BHXH như trong hợp đồng lao động. Như vậy, hợp đồng thử việc chưa phải là hợp đồng lao động.

Do đó, trường hợp người lao động và người sử dụng lao động giao kết hợp đồng thử việc riêng biệt với thời gian thử việc tối đa không quá 60 ngày, thời gian thử việc không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, đối với trường hợp đặc biệt người lao động ký hợp đồng lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc và trong HĐLĐ có ghi rõ thời gian thử việc, người sử dụng lao động và người lao động vẫn có thể phải đóng BHXH cho thời gian thử việc.

➽➽➽ Xem thêm: Tổng hợp bài viết hướng dẫn cách tính thuế TNCN, cách tính lương cơ bản, lương tăng ca làm thêm giờ, cách tính trợ cấp thôi việc... cập nhật theo quy định mới nhất

[widget22]

Theo thống kê từ ViecLamVui, có hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm trên cả nước. Số doanh nghiệp này cũng chính là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của luật bảo hiểm xã hội Việt Nam. Bài viết này mong muốn được chia sẽ những thông tin về luật bảo hiểm xã hội mới nhất đến cộng đồng doanh nghiệp và người lao động với hy vọng sẽ giúp cho các doanh nghiệp cũng như người lao động hiểu rõ hơn về việc tham gia bảo hiểm xã hội theo đúng quy định của pháp luật.

#BaoHiemXaHoi #CachTinhLuongBaoHiemXaHoi #ViecLamVui #GocNgheNghiep