Logo

Hướng dẫn cách tính thu nhập chịu thuế

Lượt xem: 590
Ngày đăng: 18/03/2024

Thu nhập chịu thuế là gì? Cách tính thu nhập chịu thuế TNDN, thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân ✅ Hướng dẫn cách tính chính xác theo đúng quy định Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành

Cách tính thu nhập chịu thuế - Hướng dẫn nhanh ViecLamVui

Thu nhập chịu thuế là gì?

Thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là tổng các khoản thu nhập chịu thuế từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và thu nhập khác của một doanh nghiệp để làm căn cứ tính thuế TNDN trong kỳ tính thuế.

Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của người lao động là tổng các khoản thu nhập từ kinh doanh, thu nhập từ tiền lương, tiền công (bao gồm các khoản tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp, trợ cấp, tiền thù lao, tiền thưởng...) của một cá nhân để làm căn cứ tính thuế TNCN của cá nhân đó.

Cách tính thu nhập chịu thuế

Khi tham gia vào kinh doanh hoặc làm việc trong bất kỳ lĩnh vực nào, doanh nghiệp và người lao động phải có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật. Để xác định được khoản thuế TNDN hay thuế TNCN phải nộp, doanh nghiệp cũng như người lao động cần tính được thu nhập chịu thuế để làm căn cứ tính thuế TNDN và thuế TNCN. Vậy cách tính thu nhập chịu thuế như thế nào là đúng theo quy định của pháp luật. Bạn hãy cùng ViecLamVui - trang web tuyển dụng và tìm việc làm uy tín, hiệu quả - tìm hiểu ngay sau đây nhé.

Cách tính thu nhập chịu thuế TNDN

Thuế TNDN là loại thuế trực thu đánh trực tiếp vào thu nhập thực tế phát sinh của cơ sở kinh doanh sau khi đã trừ các chi phí. Căn cứ tính thuế TNDN là thu nhập tính thuế trong kỳ và thuế suất. Để tính được thu nhập tính thuế, doanh nghiệp cần xác định chính xác thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế. Cách tính thu nhập chịu thuế TNDN theo công thức sau:

Thu nhập chịu thuế = (Doanh thu – Chi phí được trừ) + Các khoản thu nhập khác

Trong đó:

  • Doanh thu: Là toàn bộ tiền bán hàng hóa, tiền gia công, tiền cung cấp dịch vụ bao gồm cả khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền (nếu doanh nghiệp kê khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thì là doanh thu không có thuế GTGT; nếu doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp thì là doanh thu bao gồm cả thuế GTGT).
  • Chi phí được trừ: Bao gồm các chi phí không thuộc các chi phí không được trừ và đáp ứng đầy đủ các điều kiện: khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật; khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) thì khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
  • Các khoản thu nhập khác: Các khoản thu nhập khác được quy định cụ thể tại Điều 7 Thông tư 78/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính. Có thể kể đến một số thu nhập như: thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư; chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư; chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định của pháp luật…

Cách tính thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động

Đối với người lao động là cá nhân cư trú: Ký hợp đồng lao động từ 1 năm trở lên, làm việc trong mọi lĩnh vực ngành nghề từ bán hàng, việc làm kinh doanh, việc làm xuất nhập khẩu, công việc văn phòng, việc làm kỹ thuật hay việc làm sản xuất..., thu nhập chịu thuế TNCN để tính ra thu nhập tính thuế được xác định là:

  • Thu nhập từ tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền;
  • Các khoản phụ cấp, trợ cấp (trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp được miễn theo quy định);
  • Các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, kể cả thưởng bằng chứng khoán.

Đối với người lao động ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng, có tổng mức trả thu nhập từ 2.000.000 đồng/lần trở lên: Khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân. Nhưng nếu tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ giảm trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế TNCN thì cá nhân có thu nhập làm cam kết gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế TNCN.

Đối với người lao động là cá nhân không cư trú: Thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam từ tiền lương, tiền công, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập. Người lao động sẽ bị khấu trừ thuế TNCN 20% từ thu nhập chịu thuế.

Cách tính thu nhập chịu thuế - Hướng dẫn nhanh ViecLamVui

Câu hỏi thường gặp về cách tính thu nhập chịu thuế

Thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động không bao gồm các khoản phụ cấp, trợ cấp nào?

Các khoản phụ cấp, trợ cấp không tính thuế TNCN gồm:

  • Trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp một lần theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công.
  • Trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần đối với các đối tượng tham gia kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ.
  • Phụ cấp quốc phòng, an ninh; các khoản trợ cấp đối với lực lượng vũ trang.
  • Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm.
  • Phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực.
  • Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.
  • Trợ cấp đối với các đối tượng được bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật.
  • Phụ cấp phục vụ đối với lãnh đạo cấp cao.
  • Trợ cấp một lần đối với cá nhân khi chuyển công tác đến vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, hỗ trợ một lần đối với cán bộ công chức làm công tác về chủ quyền biển đảo theo quy định của pháp luật. Trợ cấp chuyển vùng một lần đối với người nước ngoài đến cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, người Việt Nam cư trú dài hạn ở nước ngoài về Việt Nam làm việc.
  • Phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản.
  • Phụ cấp đặc thù ngành nghề.

Các khoản tiền thưởng nào không tính trong thu nhập chịu thuế của người lao động?

Các khoản tiền thưởng không tính thuế TNCN gồm:

+ Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, bao gồm cả tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng, cụ thể:

  • Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua như chiến sĩ thi đua toàn quốc; chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; chiến sĩ thi đua cơ sở, lao động tiên tiến, chiến sỹ tiên tiến.
  • Tiền thưởng kèm theo các hình thức khen thưởng.
  • Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu do nhà nước phong tặng.
  • Tiền thưởng kèm theo các giải thưởng do các hội, tổ chức thuộc các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của trung ương và địa phương trao tặng phù hợp với điều lệ của tổ chức đó và phù hợp với quy định của luật thi đua, khen thưởng.
  • Tiền thưởng kèm theo giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng nhà nước.
  • Tiền thưởng kèm theo kỷ niệm chương, huy hiệu.
  • Tiền thưởng kèm theo bằng khen, giấy khen.

+ Tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế được nhà nước Việt Nam thừa nhận.

+ Tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

+ Tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Các khoản chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế TNDN?

Các khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN là:

1. Chi phí trước khi thành lập DN: 

  • Chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo phát sinh trước khi thành lập doanh nghiệp, chi phí cho giai đoạn nghiên cứu, chi phí chuyển dịch địa điểm, chi phí mua để có và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế, giấy phép chuyển giao công nghệ, nhãn hiệu thương mại, lợi thế kinh doanh không phải là tài sản cố định vô hình mà được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tối đa không quá 3 năm theo quy định của Luật thuế TNDN
  • Trước khi thành lập doanh nghiệp, các sáng lập viên có văn bản ủy quyền cho tổ chức, cá nhân thực hiện chi hộ một số khoản chi phí liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp, mua sắm hàng hóa, vật tư thì doanh nghiệp được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo hóa đơn GTGT đứng tên tổ chức, cá nhân được ủy quyền và phải thực hiện thanh toán cho tổ chức, cá nhân được ủy quyền qua ngân hàng đối với những hóa đơn có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên.

2. Chi phí do hư hỏng, tổn thất: 

  • Chi phí liên quan đến phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác như: hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng... không được bồi thường. Tuy nhiên, các trường hợp mất do quản lý, do vận chuyển dù không được bồi thường thì cũng không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.

3. Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động:

  • Chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động; chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.

4. Các khoản chi: quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới; chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị; chi hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí; chi cho, biếu, tặng hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng.

5. Chi phí của doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ không có hóa đơn nhưng không lập Bảng kê 01/TNDN kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán.

Cách tính thu nhập chịu thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán như thế nào?

Công thức tính thu nhập chịu thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán:

Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế = Doanh thu khoán trong kỳ tính thuế x Tỷ lệ thu nhập chịu thuế ấn định

Trong đó:

  • Doanh thu khoán trong kỳ tính thuế: Được xác định theo tài liệu kê khai của cá nhân kinh doanh, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế, kết quả điều tra doanh thu thực tế của cơ quan thuế và ý kiến tham vấn của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường.
  • Tỷ lệ thu nhập chịu thuế ấn định: Theo quy định nhu sau:
Hoạt động Tỷ lệ thu nhập chịu thuế ấn định (%)
Phân phối, cung cấp hàng hoá  7
Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu 30
Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hoá, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu  15
Hoạt động kinh doanh khác 12

***Lưu ý:

  • Đối với cá nhân kinh doanh nhiều ngành nghề: áp dụng theo tỷ lệ của hoạt động kinh doanh chính.
  • Đối với cá nhân thực tế kinh doanh nhiều ngành nghề và không xác định được ngành nghề kinh doanh chính: áp dụng theo tỷ lệ của "Hoạt động kinh doanh khác".

➽➽➽ Xem thêm: Tổng hợp bài viết hướng dẫn cách tính thuế TNCN, cách tính lương cơ bản, lương tăng ca làm thêm giờ, cách tính trợ cấp thôi việc... cập nhật theo quy định mới nhất

Thu nhập chịu thuế là gì? Cách tính thu nhập chịu thuế TNDN, thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân ✅ Hướng dẫn cách tính chính xác theo đúng quy định Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành

#Cach_Tinh_Thu_Nhap_Chiu_Thue #ViecLamVui

Bạn có thể đăng tin tuyển dụng miễn phí, tìm việc làm miễn phí các vị trí công việcViệc làm Nhân sự, Hành Chính. Bài viết thuộc danh mụcBlog Việc làm Nhân sự, Hành Chính trên ViecLamVui