Logo

Thương Mại Điện Tử Là Gì?

Lượt xem: 148
Ngày đăng: 18/03/2024

Tổng quan Thương mại điện tử ✤ Thương mại điện tử là gì? Lợi ích thương mại điện tử ✤ Thực trạng Thương mại điện tử ở Việt Nam ✤ ViecLamVui giới thiệu về các mô hình thương mại điện tử phổ biến trong các hoạt động kinh doanh trực tuyến hiện nay

Thương Mại Điện Tử Là Gì? ViecLamVui

Thương mại điện tử là gì? Lợi ích của thương mại điện tử?

Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, thương mại điện tử là một lĩnh vực đang rất hot và là xu hướng kinh doanh được nhiều doanh nghiệp hướng đến phát triển trong những năm gần đây. Nhiều doanh nghiệp cũng kịp thời thay đổi hoặc đa dạng hơn phương thức kinh doanh, tìm kiếm đối tác, bạn hàng qua con đường kết nối thương mại điện tử. Vậy thương mại điện tử là gì? Lợi ích của thương mại điện tử như thế nào? Bạn hãy cùng ViecLamVui tìm hiểu nhé!

Thương mại điện tử là gì?

Thương mại điện tử hay còn được biết đến với tên gọi trong tiếng Anh là E-commerce, E-comm hoặc có thể viết tắt là EC. Thương mại điện tử có thể hiểu đơn giản là kinh doanh thương mại trên môi trường Internet. Thương mại điện tử thường được sử dụng khi nói đến hình thức mua bán sản phẩm trực tuyến, tuy nhiên nó cũng có thể mô tả về bất kỳ loại giao dịch thương mại nào được diễn ra thông qua Internet.

Hiểu một cách chính xác hơn, thương mại điện tử chính là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh bằng các phương tiện điện tử. Điều này có nghĩa là việc mua và bán hàng hoá hay dịch vụ đều thông qua Internet để thực hiện các hoạt động như: giao dịch, thanh toán, đặt hàng, quảng cáo, giao hàng… 

Internet phát triển mạnh mẽ, con người có thể kết nối và giao tiếp với nhau dễ dàng hơn thông qua các dịch vụ Internet. Và đây chính là điều kiện thuận lợi để lĩnh vực thương mại điện tử bùng nổ và ngày càng phát triển hơn trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam.

Tuy vậy, ở Việt Nam, để phát triển mạnh và bền vững, lĩnh vực thương mại điện tử cần thêm nhiều nhân lực có kiến thức vững về tin học để kịp thời nắm bắt các thành tựu công nghệ thông tin hiện đại phục vụ cho phát triển TMĐT, cũng như có khả năng thiết kế các phần mềm đáp ứng các hoạt động kinh doanh thời đại công nghệ số 4.0. Kinh doanh thương mại điện tử còn liên quan đến những kiến thức về thương mại, luật pháp trong nước và quốc tế, ngoại ngữ. Chính vì vậy, nhân lực ngành thương mại điện tử cũng cần có sự hiểu biết nhất định về những kiến thức này để có thể hoà nhập vào với thị trường toàn cầu ngày nay.

100+ NHỮNG XU HƯỚNG VÀ NHU CẦU TUYỂN DỤNG TRONG NGÀNH TMĐT TẠI VIỆT NAM. XEM TẠI ĐÂY

Ngành Thương mại điện tử là gì? Tiềm năng ra sao? Học những gì? Ra trường làm gì?

Ngành Thương mại điện tử là gì? Tiềm năng ra sao? Học những gì? Ra trường làm gì?

Ngành thương mại điện tử gồm những vị trí nào? Lương ra sao? Học trường nào? ✅ ViecLamVui giới thiệu những xu hướng, nhu cầu tuyển dụng trong ngành TMĐT tại Việt Nam


Lợi ích của thương mại điện tử

Lợi ích thương mại điện tử - ViecLamVui

Có thể nói hiện nay thương mại điện tử đã trở thành một hình thức giao dịch kinh doanh phổ biến và quen thuộc của nhiều công ty thương mại lớn trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Thương mại điện tử mang lại những lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng và cả những lợi ích nhất định cho xã hội.

Lợi ích đối với doanh nghiệp

  • Mở rộng thị trường nhưng không tốn kém quá nhiều chi phí: Các công ty có thể mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng, tiếp cận với nhà cung cấp và các đối tác trên khắp thế giới dễ dàng, thuận lợi và ít tốn kém chi phí hơn so với thương mại truyền thống.
  • Hiệu quả về thời gian: Các hoạt động kinh doanh có thể thực hiện liên tục với việc tự động hoá các giao dịch thông qua mạng Internet. Từ đó, tất cả những thông tin liên quan đến sản phẩm hay dịch vụ cần cung cấp cho khách hàng như catalogue, brochure, thông tin, bảng báo giá... sẽ được gửi đến khách hàng một cách nhanh chóng, tiện lợi và tiết kiệm hơn.
  • Dịch vụ khách hàng tốt hơn: Doanh nghiệp có thể tạo điều kiện cho khách hàng chọn mua hàng trực tiếp từ trên mạng. Hình thức thương mại điện tử giúp doanh nghiệp có thể làm hài lòng khách hàng với những yếu tố quan trọng trong việc tìm và giữ khách hàng như chất lượng dịch vụ, thái độ, tốc độ phục vụ, chăm sóc khách hàng hiệu quả.
  • Giảm chi phí hoạt động sản xuất: Doanh nghiệp có thể tiết kiệm được nhiều chi phí cho việc thuê mặt bằng kinh doanh, thuê nhân viên cho các hoạt động điều hành doanh nghiệp, chi phí gửi văn bản theo hình thức truyền thống, chi phí in ấn...
  • Tăng doanh thu: Doanh nghiệp không bị giới hạn đối tượng khách hàng trong từng vùng cư dân, địa phương mà có thể thực hiện việc bán hàng trên toàn lãnh thổ của một quốc gia hoặc bán ra trên toàn thế giới. Từ đó, lượng khách hàng của doanh nghiệp nhiều hơn nên dẫn đến việc phát triển doanh thu, gia tăng lợi nhuận.
  • Cập nhật thông tin sản phẩm nhanh chóng, thuận tiện: Mọi thông tin sản phẩm, dịch vụ trên web như giá cả, hình ảnh... đều có thể được cập nhật nhanh chóng và kịp thời khi có sự thay đổi.
Ngành Thương mại điện tử học ở đâu? Các trường có đào tạo ngành thương mại điện tử

Ngành Thương mại điện tử học ở đâu? Các trường có đào tạo ngành thương mại điện tử

ViecLamVui tổng hợp các trường đại học, cao đẳng có chương trình đào tạo ngành TMĐT tại TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng


Lợi ích đối với người tiêu dùng

  • Nhiều lựa chọn hơn về sản phẩm, dịch vụ: Người mua có thể tiếp cận với nhiều nhà cung cấp hơn thông qua các sàn thương mại điện tử, website thương mại điện tử, các kênh mua bán trực tuyến nên có nhiều cơ hội lựa chọn hơn về sản phẩm và dịch vụ mà mình cần.
  • Được lựa chọn giá thấp hơn: Người tiêu dùng có thể so sánh giá cả giữa các nhà cung cấp thuận tiện hơn và từ đó tìm được mức giá phù hợp nhất cho cùng một đối tượng sản phẩm.
  • Mua sắm không bị giới hạn về không gian và thời gian: Thương mại điện tử cho phép khách hàng mua sắm mọi nơi, mọi lúc đối với các cửa hàng trên khắp thế giới.
  • Các sản phẩm số hoá được giao hàng nhanh hơn: Nhiều sản phẩm có thể thực hiện số hoá như phim, nhạc, sách, phần mềm.... có thể thực hiện việc giao hàng nhanh chóng và dễ dàng hơn thông qua Internet.
  • Được đáp ứng mọi nhu cầu: Việc tự động hóa trong thương mại điện tử cho phép chấp nhận các đơn hàng khác nhau từ mọi khách hàng.
  • Thông tin phong phú và thuận tiện hơn: Người mua hàng có thể dễ dàng tìm kiếm được thông tin nhanh chóng của mọi loại hàng hoá dịch vụ trên Internet thông qua các công cụ tìm kiếm phổ biến và sự hỗ trợ của các thông tin đa phương tiện về âm thanh, hình ảnh.

Lợi ích đối với xã hội

  • Các dịch vụ công được cung cấp tiện lợi hơn: Với sự hỗ trợ của thương mại điện tử, nhiều dịch vụ công của chính phủ trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, hành chính được thực hiện qua mạng với thủ tục nhanh chóng và chi phí thấp hơn.
  • Hỗ trợ môi trường sống tốt hơn: Các hoạt động mua sắm, giao dịch có thể thực hiện thông qua hình thức thương mại điện tử nên có thể hạn chế được việc đi lại, từ đó giảm bớt khí thải ô nhiễm môi trường, tai nạn...
  • Mức sống được nâng cao: Nhiều loại hàng hoá hơn và sự cạnh tranh cao giữa các nhà cung cấp sẽ dẫn đến áp lực bắt buộc nhà cung cấp phải chú trọng đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ nhiều hơn cũng như điều chỉnh về giá với mức giá phù hợp hơn cho người tiêu dùng. Do đó, thúc đẩy được nhu cầu mua sắm của khách hàng cao hơn và mức sống cũng được nâng cao.
Nhu cầu tuyển dụng của top 10 công ty thương mại điện tử tại Việt Nam

Nhu cầu tuyển dụng của top 10 công ty thương mại điện tử tại Việt Nam

ViecLamVui tổng hợp các vị trí công việc đang có nhu cầu tuyển dụng cao tại các công ty TMĐT hàng đầu Việt Nam ✅ MuaBanNhanh ✅ Shopee ✅ Lazada ✅ Tiki ✅ Chotot


Các mô hình kinh doanh thương mại điện tử

Các mô hình kinh doanh thương mại điện tử - ViecLamVui

Ngày nay, công nghệ thông tin có sức ảnh hưởng to lớn đối với mọi mặt của đời sống chúng ta, và lĩnh vực thương mại điện tử cũng dần dần khẳng định chỗ đứng vững chắc của mình trên thị trường kinh doanh toàn cầu. Sự phát triển của thương mại điện tử cũng cho ra đời nhiều mô hình kinh doanh thương mại điện tử khác nhau để đáp ứng tốt nhu cầu kinh doanh giao dịch của mọi đối tượng. Sau đây là 05 mô hình kinh doanh thương mại điện tử thường thấy trong các hoạt động giao dịch thương mại điện tử hiện nay. 

Mô hình B2B - Business to Business

B2B hay Business to Business là mô hình kinh doanh thương mại điện tử lớn nhất. Với mô hình này, cả người bán và người mua đều là các thực thể kinh doanh, hay có thể hiểu là hoạt động giao dịch kinh doanh giữa các doanh nghiệp có khách hàng cũng là doanh nghiệp hoặc tổ chức. Mô hình thương mại điện tử này chủ yếu là các giao dịch mua bán hàng hoá và dịch vụ giữa nhà bán lẻ với nhà bán buôn, hoặc nhà bán buôn và nhà sản xuất.

Mô hình B2C - Business to Consumer

B2C hay Business to Consumer là mô hình kinh doanh thương mại điện tử phổ biến nhất và là thị trường thương mại điện tử được sử dụng nhiều nhất, thông thường mà bạn rất dễ thấy. Với mô hình này, các doanh nghiệp sẽ thực hiện việc bán sản phẩm hoặc dịch vụ của họ trực tiếp cho người tiêu dùng và có sự tương tác trực tiếp với khách hàng.

Mô hình B2C chủ yếu được sử dụng để các doanh nghiệp thực hiện việc bán lẻ hàng hoá của mình cho người dùng thông qua mạng Internet là website cùa doanh nghiệp hoặc các sàn giao dịch thương mại điện tử. Đây cũng được xem là một hình thức bán lẻ truyền thống nhưng việc giao dịch mua bán sẽ được tiến hành trực tuyến qua mạng.

Mô hình C2C - Consumer to Consumer

Với mô hình thương mại điện tử B2B hay B2C thì thật dễ hiểu. Tuy nhiên mô hình kinh doanh thương mại điện tử C2C là như thế nào? C2C là mô hình kinh doanh mà trong đó phía bên mua và bán đều là các cá nhân. Trong môi trường trực tuyến, giao dịch này sẽ được thực hiện thông qua một bên thứ ba là các nền tảng bán hàng trực tuyến trung gian, hoặc những trang web đấu giá trung gian.

Với những trang web đấu gia trung gian, khách hàng sẽ đăng đấu thầu một mặt hàng để bán và nhận được các giá thầu khác nhau của khách hàng muốn mua nó. Tuy nhiên, sẽ phải tốn phí hoa hồng cho đơn vị trung gian trong giao dịch. Các giao dịch dân sự như tìm việc, cho thuê nhà, cần thuê nhà, mua bán ô tô, xe máy, sửa chữa đồ điện tử gia dụng và các loại hình dịch vụ khác cũng được đưa lên mạng Internet thông qua website cá nhân hoặc trung gian.

Mô hình C2B - Consumer to Business

C2B hay Consumer to Business là mô hình kinh doanh thương mại điện tử trong đó người tiêu dùng tạo ra giá trị và bán lại giá trị đó cho doanh nghiệp. Theo đó, để mối quan hệ C2B được hình thành, những người tham gia giao dịch phải được xác định rõ ràng. Người tiêu dùng có thể là bất kì cá nhân nào, có sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó để cung cấp cho doanh nghiệp. 

C2B cũng giống như mô hình C2C ở chỗ thường phải có một trung gian trong giao dịch. Điểm khác biệt giữa mô hình C2B so với các mô hình thương mại điện tử khác ở điểm người tiêu dùng chính là người tạo ra giá trị sản phẩm để đáp ứng và phục vụ cho nhu cầu của một doanh nghiệp lớn hơn. Mô hình thương mại điện tử này thích hợp cho những cá nhân là người làm việc tự do để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ và thực hiện giao dịch với doanh nghiệp có nhu cầu. 

Mô hình B2G - Business to Government

Mô hình thương mại điện tử B2G hay Business to Government được xem như một hình thức giao dịch mua bán giữa khối hành chính công nhà nước với các doanh nghiệp trên thị trường thông qua mạng Internet. Với mô hình này, các doanh nghiệp có cơ hội tham gia tiếp thị các hình thức sản phẩm, dịch vụ đến nhiều cấp chính phủ với sự gia tăng tính minh bạch và giảm rủi ro trong các hoạt động.

Thực trạng thương mại điện tử ở Việt Nam

Thực trạng thương mại điện tử ở Việt Nam - ViecLamVui

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng phát triển lớn so với các nước cùng khu vực. Tuy nhiên, lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn và thách thức cần vượt qua để có thể phát triển bền vững và lớn mạnh cùng với thị trường chung toàn cầu.

Tiềm năng thị trường thương mại điện tử Việt Nam

Việt Nam được đánh giá là đất nước có số lượng người dân tiếp cận và sử dụng Internet khá cao, chiếm khoảng 58% dân số. Hơn thế nữa, số người sử dụng smart phone hiện nay ở Việt Nam chiếm khoảng 82% dân số và nhiều người còn sử dụng hơn 02 chiếc điện thoại. Điều này cho thấy khả năng truy cập vào các website thương mại điện tử lớn hơn bao giờ hết. Đây chính là nền tảng để lĩnh vực thương mại điện tử phát triển mạnh ở nước ta.

Hiện nay, cùng với xu hướng chung của thế giới, người tiêu dùng Việt Nam quen dần với hình thức mua sắm online. Thị trường mua sắm trực tuyến trở nên sôi động hơn khi người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ thế hệ Z tham gia vào việc mua bán trên Internet ngày càng nhiều. Cùng với đó là sự ra đời của hàng loạt các website thương mại điện tử lớn, uy tín như MuaBanNhanh càng làm cho thị trường kinh doanh thương mại điện tử có cơ hội bùng nổ và phát triển lớn mạnh.

Các quỹ đầu tư và tập đoàn thương mại điện tử nước ngoài cũng tích cực mua cổ phần, bỏ tiền đầu tư cho các sàn và các trang web thương mại điện tử trong nước. Chính vì thế, sự cạnh tranh trên thị trường trực tuyến ngày càng khốc liệt, đòi hỏi các doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước quan tâm và có sự đầu tư đúng mức để có thể giành được lợi thế trong cuộc đua giành thị phần, cải thiện dịch vụ giao nhận và thanh toán tốt hơn để có thể thu hút khách hàng hiệu quả.

Doanh số của thương mại điện tử hiện nay chỉ chiếm khoảng 3% trên tổng quy mô của thị trường bán lẻ Việt Nam, vẫn còn khá thấp so với các nước trong khu vực, nhưng với sự cải thiện của các dịch vụ vận chuyển, uy tín người bán và nhận biết của người dân về TMĐT ngày càng được nâng cao, tiềm năng phát triển của thị trường TMĐT Việt Nam sẽ có những bước tăng đột phá trong thời gian tới.

Khó khăn và thách thức của thương mại điện tử ở Việt Nam

  • Thiếu sự tin tưởng trong thanh toán online: Mặc dù các nền tảng thanh toán online trực tuyến như thanh toán qua thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ quốc tế, qua cổng thanh toán, Internet Banking đã phát triển khá an toàn nhưng vẫn chưa hoàn toàn được người tiêu dùng tin tưởng. Người mua hàng online ưa chuộng hình thức thanh toán khi nhận hàng hơn nên để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, các chủ shop online thường lựa chọn hình thức ship cod để có thể gia tăng hiệu quả bán hàng. 
  • Sự nghi ngờ về chất lượng sản phẩm: Khi mua sản phẩm hay dịch vụ, mọi người đều thích được xem, sờ thử, tận mắt chứng kiến hoặc trải nghiệm thử. Tuy nhiên, với hình thức mua sắm online, họ chỉ có thể xem thông tin sản phẩm hay dịch vụ qua hình ảnh, video và mô tả chi tiết về sản phẩm từ người bán, và đôi khi hàng hoá nhận được không đúng như quảng cáo đã gây mất lòng tin nơi người tiêu dùng. Việc nghi ngờ về chất lượng sản phẩm cũng là một trong những yếu tố gây cản trở sự phát triển của kinh doanh thương mại điện tử.
  • Yêu cầu truy cập Internet: Điều này là hiển nhiên khi tham gia vào thị trường thương mại điện tử. Để có thể mua và bán, bạn cần một thiết bị được kết nối với mạng Internet. Ngày nay, phần lớn người dân đều có thể truy cập Internet, nhưng nó vẫn hạn chế đối với một số khu vực, nhất là những vùng nông thôn, miền núi.
  • Chất lượng hàng hoá còn kém, không đa dạng: Người tiêu dùng Việt Nam và nhất là giới trẻ thường ưa chuộng mua sắm online trên các website thương mại điện tử lớn của nước ngoài như Amazon, eBay…Họ đánh giá hàng hoá của nước ngoài thường phong phú, đa dạng và có chất lượng đảm bảo hơn so với thị trường trong nước. Để khắc phục vấn đề này, việc tích hợp hệ thống ERP với nền tảng thương mại điện tử có thể hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả trong việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá làm ra cũng như nắm bắt được khả năng tiêu thụ trên thị trường thương mại điện tử để có những điều chỉnh kịp thời và hợp lý, gia tăng hiệu quả kinh doanh. 
  • Môi trường cạnh tranh khốc liệt: Trong thị trường TMĐT, tiềm lực phát triển của các doanh nghiệp trong nước chính là một trở ngại khá lớn khi muốn cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp có năng lực tài chính, công nghệ và quản trị yếu kém thật sự khó có cơ hội phát triển trong môi trường kinh doanh thương mại điện tử cạnh tranh gay gắt hiện nay.
  • Không chú trọng hoạt động nghiên cứu thị hiếu khách hàng trong nước lẫn nước ngoài: Chất lượng và mẫu mã của những sản phẩm trong nước vẫn chưa bằng được với sản phẩm cùng loại của nước ngoài. Điều này chính là kết quả của việc không chú trọng đến hoạt động nghiên cứu thị hiếu khách hàng trong nước lẫn nước ngoài. Chất lượng sản phẩm yếu kém cũng là nguyên nhân khiến uy tín bán hàng của các doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước bị giảm sút trên thị trường kinh doanh trực tuyến hiện nay.
  • Cơ sở hạ tầng công nghệ chưa đáp ứng tốt: Các công cụ xây dựng phần mềm vẫn còn trong giai đoạn phát triển; tốc độ Internet không ổn định; hệ thống thông tin Internet vẫn còn khả năng xuất hiện các đợt virus tấn công làm các tệp dữ liệu bị phá hủy, tin tặc có thể truy cập trái phép hệ thống để lấy cắp thông tin khách hàng, hủy hoại dữ liệu... chính là những rào cản khiến cho các công ty thương mại điện tử trong nước gặp khó khi tham gia thị trường toàn cầu.
Tổng quan Thương mại điện tử ✤ Thương mại điện tử là gì? Lợi ích thương mại điện tử ✤ Thực trạng Thương mại điện tử ở Việt Nam ✤ ViecLamVui giới thiệu về các mô hình thương mại điện tử phổ biến trong các hoạt động kinh doanh trực tuyến hiện nay

#ThuongMaiDienTuLaGi #TongQuanNganhThuongMaiDienTu #LoiIchThuongMaiDienTu #MoHinhKinhDoanhThuongMaiDienTu #ThucTrangThuongMaiDienTuOVietNam #ViecLamVuiWiki #ViecLamVui

Bạn có thể đăng tin tuyển dụng miễn phí, tìm việc làm miễn phí các vị trí công việcViệc làm Internet, Online Media. Bài viết thuộc danh mụcBlog Việc làm Internet, Online Media trên ViecLamVui