Logo

Bảo hiểm thất nghiệp - Các thông tin hữu ích cần biết dành cho doanh nghiệp và người lao động

Lượt xem: 883
Ngày đăng: 14/03/2024

Bảo hiểm thất nghiệp là khoản trợ cấp mà nhiều người lao động hướng tới sau khi nghỉ việc. Tuy nhiên, doanh nghiệp và người lao động cần lưu ý những thông tin về việc thực hiện việc đóng bảo hiểm thất nghiệp đúng theo quy định để đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Những thông tin quan trọng về bảo hiểm thất nghiệp - Góc nghề nghiệp ViecLamVui

Bảo hiểm thất nghiệp là gì?

Bảo hiểm thất nghiệp là số tiền trợ cấp cho người lao động khi họ bị mất việc làm, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Vì vậy, bảo hiểm thất nghiệp có thể được xem là phao cứu sinh giúp người lao động giải quyết không ít khó khăn trong thời buổi kinh tế khó khăn khi chưa tìm được công việc làm mới phù hợp.

Luật bảo hiểm thất nghiệp quy định về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp

Doanh nghiệp và người lao động cần nắm rõ những thông tin sau đây để thực hiện việc đóng bảo hiểm thất nghiệp theo đúng quy định của pháp luật lao động.

Quy định về bảo hiểm thất nghiệp đối với các đối tượng bắt buộc tham gia

Theo Luật Việc làm quy định, 02 nhóm đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 

Người lao động

Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:

  • Không xác định thời hạn
  • Xác định thời hạn
  • Theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng

Các đối tượng người lao động không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp:

  • Người lao động đang hưởng lương hưu
  • Giúp việc gia đình

Lưu ý: Trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động tại cùng một thời điểm thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động được giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Người sử dụng lao động

Người sử dụng lao động bắt buộc phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại tổ chức bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực. Đối tượng người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:

  • Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân
  • Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp
  • Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam
  • Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác
  • Cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động đã nêu

Đóng bảo hiểm thất nghiệp ở mức nào?

Theo quy định của Luật việc làm, quy định mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động và người sử dụng lao động như sau:

  • Người lao động: 1% tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm
  • Người sử dụng lao động: 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp

Đối với khối hành chính sự nghiệp

Tiền lương do nhà nước quy định. Vì vậy, tiền lương tháng làm cơ sở để tính mức đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề. Tiền lương này sẽ tính trên mức lương cơ sở.

Đối với khối doanh nghiệp

Tiền lương do doanh nghiệp quyết định. Tiền lương tháng làm cơ sở để tính mức đóng bảo hiểm thất nghiệp bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Trong đó:

Mức lương: Mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang bảng lương được người sử dụng lao động xây dựng căn cứ trên quy định của pháp luật lao động và đã được sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định được đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán. Mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định mới nhất.

Phụ cấp lương: Bao gồm

  • Các khoản phụ cấp lương hỗ trợ cho các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động đã chưa được tính đến hoặc tính chưa đủ trong mức lương thoả thuận mà hợp đồng lao động đã ghi nhận.
  • Các khoản phụ cấp gắn liền với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động bao gồm: phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp khác có tính chất tương tự.

Các khoản bổ sung khác: Các khoản bổ sung trong tiền lương hàng tháng sẽ được thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, bao gồm:

  • Các khoản bổ sung xác định được bằng mức tiền cụ thể cùng với mức lương thoả thuận trong hợp đồng lao động và được trả định kỳ hàng tháng trong mỗi kỳ trả lương.
  • Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thoả thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.

Các khoản khác không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp

Các khoản chế độ và phúc lợi sau không bao gồm trong tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp:

  • Tiền thưởng theo quy định của Bộ Luật Lao Động
  • Tiền thưởng sáng kiến
  • Tiền ăn giữa ca
  • Các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ
  • Khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn
  • Sinh nhật của người lao động
  • Trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
  • Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác

Thủ tục làm bảo hiểm thất nghiệp - Chế độ bảo hiểm thất nghiệp

Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động

Các điều kiện người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm:

Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc: loại trừ các trường hợp

  • Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái luật.
  • Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp: Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ theo quy định sau:

  • 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động có xác định và không xác định thời hạn.
  • 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với ký hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp: Người lao động cần hoàn tất hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp ngay khi có quyết định nghỉ việc và nộp hồ sơ trực tiếp tại Trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.

Chưa tìm được việc làm:  Người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu sau 15 ngày kể từ ngày nộp đủ hồ sơ xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp vẫn chưa tìm được việc làm mới.

Lãnh bảo hiểm thất nghiệp cần những giấy tờ gì - Thủ tục làm bảo hiểm thất nghiệp?

Để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động cần thực hiện hoàn chỉnh bộ hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo đúng quy định.

Bảo hiểm thất nghiệp cần giấy tờ gì?

Các giấy tờ cần có trong bộ hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:

  • Đơn đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
  • Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; quyết định thôi việc; quyết định sa thải; quyết định kỷ luật buộc thôi việc; thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
  • Sổ bảo hiểm xã hội.

Hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp nộp ở đâu - Thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp?

Sau khi chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật lao động, người lao động sẽ nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại các trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập. Để hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động cần thực hiện theo 04 bước sau:

  • Bước 1: Chuẩn bị một bộ hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ và nộp trực tiếp đến trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.
  • Bước 2: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận đủ hồ sơ. Lúc này, bạn đến trung tâm dịch vụ việc làm nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp theo ngày ghi trong phiếu hẹn.
  • Bước 3: Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, bạn tới cơ quan bảo hiểm xã hội nhận trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên.
  • Bước 4: Hàng tháng, bạn cần đến trung tâm dịch vụ việc làm để thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm theo đúng quy định.

Nơi lãnh bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng - Có được chuyển bảo hiểm thất nghiệp về quê không?

Sau khi hoàn tất các thủ tục, người lao động sẽ trực tiếp đến cơ quan bảo hiểm xã hội quận/huyện theo nơi đăng ký ban đầu để nhận bảo hiểm thất nghiệp.

Bạn cũng có thể thay đổi nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tỉnh, thành phố khác trực thuộc trung ương sau khi đã hưởng ít nhất 01 tháng trợ cấp thất nghiệp. 

Để thay đổi, bạn cần làm đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định và gửi đến trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trợ cấp thất nghiệp - Thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp:  Trợ cấp thất nghiệp sẽ có thời gian được hưởng được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp như sau:

  • Cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp.
  • Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
  • Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 36 tháng thì những tháng lẻ chưa giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.

Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp: Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.

Mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng

Cách tính bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức lương bình quân của 06 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp. Tuy nhiên, mức hưởng này cũng cần thoả mãn điều kiện sau:

  • Tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.
  • Không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ Luật lao động đối với người lao động thực hiện theo chế độ tiền lương do doanh nghiệp quyết định.

Các trường hợp không nhận được tiền bảo hiểm thất nghiệp

Bạn cần lưu ý một số trường hợp sau người lao động sẽ không được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp sau khi chấm dứt hợp đồng lao động:

  • Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật lao động.
  • Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
  • Đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an.
  • Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.
  • Đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện.
  • Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù.
  • Ra nước ngoài định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng.
  • Người lao động chết.
  • Không nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.

Thông tin địa chỉ nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp tại các tỉnh, thành

Dưới đây, ViecLamVui xin cập nhật thông tin địa chỉ nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại các tỉnh thành trên cả nước để bạn có thể tham khảo khi cần.

Bảo hiểm thất nghiệp TPHCM

Địa điểm Địa chỉ Điện thoại
Bảo hiểm thất nghiệp quận 4 249 Tôn Đản, Phường 15, Quận 4, TP.HCM (028) 3940 4024
Bảo hiểm thất nghiệp quận 6 743/34 Hồng Bàng, Phường 6, Quận 6, TP.HCM (028) 3969 3039
Bảo hiểm thất nghiệp quận 9 Đường số 9, Phường Phước Bình, Quận 9, TP.HCM (028) 6282 6018
Bảo hiểm thất nghiệp quận 12 802/1-3-5 Nguyễn Văn Quá, Phường Đông Hưng Thuận, Quận 12, TP.HCM (028) 3715 9560
Bảo hiểm thất nghiệp quận Bình Thạnh 106/14D Điện Biên Phủ, Phường 17, Quận Bình Thạnh, TP.HCM (028) 3514 7007
Bảo hiểm thất nghiệp quận Tân Bình 456 Trường Chinh, Phường 13, Tân Bình, TP.HCM (028) 3810 0097
Bảo hiểm thất nghiệp quận Thủ Đức 23 Đường Bác Ái, Phường Bình Thọ, Quận Thủ Đức, TP.HCM  

Bảo hiểm thất nghiệp Bình Dương

Địa điểm  Địa chỉ Điện thoại
Bảo hiểm thất nghiệp Thuận An 369 Đại Lộ Bình Dương, KP. Hòa Lân, P. Thuận Giao, Tx. Thuận An, Tỉnh Bình Dương (0274) 3899 019
Bảo hiểm thất nghiệp Dĩ An Số 10 Ngô Văn Sở, KP. Bình Minh 2, Phường Dĩ An, Tx. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương (0274) 3775 458

Bảo hiểm thất nghiệp Đồng Nai

Địa điểm Địa chỉ Điện thoại
Phòng Bảo hiểm thất nghiệp - Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Đồng Nai Khu phố 5, Phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai (0251) 8823 445

Bảo hiểm thất nghiệp Đà Nẵng

Địa điểm Địa chỉ Điện thoại
Phòng Bảo hiểm thất nghiệp - Trung tâm dịch vụ việc làm Đà Nẵng 278 Âu Cơ, Phường Hòa Khánh Bắc, Quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng (0236) 3739 880

Bảo hiểm thất nghiệp Hà Nội

Địa điểm Địa chỉ Điện thoại
Bảo hiểm thất nghiệp - Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội Số 215 Trung Kính, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội (024) 3782 2806

Bảo hiểm thất nghiệp Hải Phòng

Địa điểm Địa chỉ Điện thoại
Phòng Bảo hiểm thất nghiệp - Trung tâm giới thiệu việc làm Hải Phòng Số 735 Nguyễn Văn Linh, TP. Hải Phòng (0225) 3272 060

Bảo hiểm thất nghiệp Hải Dương

Địa điểm Địa chỉ Điện thoại
Phòng Bảo hiểm thất nghiệp - Trung tâm dịch vụ việc làm Hải Dương Đường An Định, Phường Việt Hòa, TP. Hải Dương, Tỉnh Hải Dương (0220) 3845 600

Bảo hiểm thất nghiệp Bắc Giang

Địa điểm Địa chỉ Điện thoại
Phòng bảo hiểm thất nghiệp - Trung tâm dịch vụ việc làm Bắc Giang Lô số 05, Khu dân cư Cống Ngóc, Trần Quang Khải, Phường Thọ Xương, TP. Bắc Giang, Tỉnh Bắc Giang (0204) 3822 283
Bảo hiểm thất nghiệp là khoản trợ cấp mà nhiều người lao động hướng tới sau khi nghỉ việc. Tuy nhiên, doanh nghiệp và người lao động cần lưu ý những thông tin về việc thực hiện việc đóng bảo hiểm thất nghiệp đúng theo quy định để đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.

#BaoHiemThatNghiep #ViecLamVui #GocNgheNghiep