Logo

Phân biệt và hiểu rõ về Lương tối thiểu, Lương cơ sở và Lương cơ bản

Lượt xem: 1411
Ngày đăng: 17/03/2024

Theo thống kê từ ViecLamVui, có hơn 69% người lao động không hiểu rõ hoặc không phân biệt được về lương cơ bản, lương cơ sở và lương tối thiểu. Vì vậy, người lao động sẽ dễ bị thiệt thòi khi không có sự hiểu biết dẫn đến việc hưởng mức lương không đúng với trình độ, khả năng chuyên môn và kinh nghiệm làm việc của mình. Bài viết này hy vọng sẽ cung cấp được cho bạn những thông tin để có thể hiểu rõ và đúng về các mức lương cơ sở, lương tối thiểu và lương cơ bản được áp dụng theo những quy định mới nhất hiện nay.

Phân biệt lương cơ sở, lương cơ bản và lương tối thiểu - Góc nghề nghiệp ViecLamVui

Điểm khác biệt giữa lương cơ sở và lương tối thiểu vùng theo quy định nhà nước

Tiêu chí Lương cơ sở Lương tối thiểu vùng
Khái niệm

Là mức dùng làm căn cứ tính:

  • Mức lương cơ bản trong các bảng lương
  • Mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định
  • Các mức hoạt động phí
  • Các khoản trích và chế độ được hưởng theo mức lương này 

Là mức lương thấp nhất dùng làm căn cứ để doanh nghiệp và người lao động thoả thuận trong việc thực hiện việc chi trả lương.

Mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện bình thường, đảm bảo đủ thời gian làm việc trong tháng và hoàn thành định mức công việc được giao cần đảm bảo các điều kiện sau:

  • Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng
  • Phải cao hơn mức lương tối thiểu vùng ít nhất 7% nếu người lao động đã qua học nghề, đào tạo trường lớp.
Đối tượng áp dụng Công nhân viên chức, cán bộ nhà nước, người lao động, người hưởng chế độ thuộc khu vực nhà nước: cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, đơn vị hoạt động được nhà nước hỗ trợ kinh phí, … Người lao động làm việc tại các công ty, doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác ngoài khu vực nhà nước có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động. 
Sự ảnh hưởng Khi mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng, tất cả cán bộ, công chức, viên chức đều được tăng lương. Các mức trích đóng BHXH, BHYT, BHTNLĐ, BNN cũng sẽ điều chỉnh tăng.

Khi lương tối thiểu vùng tăng thì chỉ có người lao động đang hưởng mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mới điều chỉnh tăng lương.

Mức lương của hầu hết người lao động hầu như không chịu tác động đối với việc tăng lương tối thiểu vùng.

Chu kỳ điều chỉnh

Không có chu kỳ điều chỉnh cố định. Sự điều chỉnh của mức lương cơ sở phụ thuộc vào các yếu tố:

  • Khả năng của ngân sách nhà nước
  • Chỉ số giá tiêu dùng
  • Tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước
Hiện nay chưa có văn bản nào quy định cụ thể về chu kỳ điều chỉnh của mức lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, thông thường mức lương tối thiểu vùng  thay đổi theo chu kỳ hàng năm và thường được áp dụng vào ngày 01/01 hàng năm.

Phân biệt giữa lương cơ sở và lương cơ bản

Nếu không tìm hiểu kỹ về bản chất, mọi người thường có sự nhầm lẫn về lương cơ sở và lương cơ bản. Vậy, lương cơ sở và lương cơ bản có điểm nào khác biệt, chúng ta cùng tìm hiểu nhé

Tiêu chí Lương cơ sở Lương cơ bản
Khái niệm

Được quy định rõ ràng trong nghị định của Chính phủ nước ta.

Là mức dùng làm căn cứ tính:

  • Mức lương cơ bản trong các bảng lương
  • Mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định
  • Các mức hoạt động phí
  • Các khoản trích và chế độ được hưởng theo mức lương này 

Không được quy định trong bất cứ văn bản pháp luật nào.

Có thể hiểu lương cơ bản chính là mức lương thấp nhất mà người lao động và người sử dụng lao động tự thoả thuận với nhau tuỳ theo tính chất và yêu cầu của công việc.

Lương cơ bản chưa bao gồm các khoản phụ cấp, tiền thưởng hoặc các khoản bổ sung, phúc lợi khác theo thoả thuận.

Đối tượng áp dụng Công nhân viên chức, cán bộ nhà nước, người lao động, người hưởng chế độ thuộc khu vực nhà nước: cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, đơn vị hoạt động được nhà nước hỗ trợ kinh phí, … Áp dụng đối với tất cả người lao động cả trong và ngoài khu vực nhà nước. Nói cách khác, lương cơ bản là mức lương được sử dụng phổ biến cho tất cả các đơn vị sử dụng lao động và người lao động khi thực hiện các chính sách về tiền lương.
Chu kỳ thay đổi Không có chu kỳ thay đổi cố định.
  • Đối với các đơn vị ngoài khu vực nhà nước: Chu kỳ thay đổi tuỳ theo sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động
  • Đối với các đơn vị trong khu vực nhà nước: Chu kỳ thay đổi phụ thuộc vào chu kỳ thay đổi của lương cơ sở.
Yếu tố ảnh hưởng đến sự thay đổi

Lương cơ sở cần đảm bảo được các nhu cầu đời sống tối thiểu của người lao động chịu áp dụng của mức lương cơ sở. Sự điều chỉnh tăng mức lương cơ sở sẽ căn cứ và dung hoà giữa các yếu tố:

  • Khả năng ngân sách nhà nước
  • Chính sách của nhà nước
  • Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế
  • Giá cả, chỉ số tiêu dùng,…

Sự điều chỉnh lương cơ bản ngoài phụ thuộc vào sự thoả thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động thì cũng cần căn cứ theo các yếu tố ảnh hưởng sau:

  • Mức lương tối thiểu vùng
  • Hệ số lương và lương cơ sở
  • Loại hình doanh nghiệp
  • Tình hình kinh doanh
  • Cách thức tính lương của từng doanh nghiệp
  • Cấp bậc, trình độ, kinh nghiệm
Cách tính lương Đã được quy định bằng con số cụ thể trong các văn bản pháp luật nên mang tính cố định.
  • Đối với cán bộ, viên chức thuộc khu vực nhà nước: Lương cơ bản = Lương cơ sở x hệ số lương.
  • Đối với người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài khu vực nhà nước: Căn cứ dựa trên mức lương tối thiểu vùng và không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định.

Phân biệt lương cơ sở - lương cơ bản - Góc nghề nghiệp ViecLamVui

Lương cơ bản và lương tối thiểu vùng - Những điểm khác biệt cần lưu ý

Điểm khác biệt Lương cơ bản Lương tối thiểu vùng
Khái niệm

Là mức lương do người sử dụng lao động và người lao động tự thoả thuận, được ghi cụ thể trên HĐLĐ.

Là mức căn cứ để tính tiền công, tiền lương thực lĩnh của người lao động làm việc trong doanh nghiệp.

Là mức tiền lương thấp nhất do chính phủ quy định theo từng vùng khác nhau. Người sử dụng lao động sẽ không được phép trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Là căn cứ để người sử dụng lao động và người lao động thoả thuận mức lương cơ bản.

Đối tượng áp dụng Tất cả người lao động cả trong và ngoài khu vực nhà nước. Nói cách khác, lương cơ bản là mức lương được sử dụng phổ biến cho tất cả các đơn vị sử dụng lao động và người lao động khi thực hiện các chính sách về tiền lương. Người lao động làm việc tại các công ty, doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác ngoài khu vực nhà nước có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động. 
Sự ảnh hưởng Khi lương cơ bản được điều chỉnh tăng nghĩa là mức lương thực tế của người lao động cũng tăng. Khi lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng thì chỉ có những người lao động làm việc trong các đơn vị ngoài khu vực nhà nước có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mới được điều chỉnh tăng lương. Nói chung, việc tăng lương tối thiểu vùng không có ảnh hưởng nhiều đến hầu hết người lao động.
Chu kỳ thay đổi
  • Đối với các đơn vị ngoài khu vực nhà nước: Chu kỳ thay đổi tuỳ theo sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động
  • Đối với các đơn vị trong khu vực nhà nước: Chu kỳ thay đổi phụ thuộc vào chu kỳ thay đổi của lương cơ sở hoặc sự điều chỉnh hệ số lương.
Hiện nay, chưa có văn bản nào quy định cụ thể về chu kỳ thay đổi của mức lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, thông thường mức lương tối thiểu vùng được xem xét thay đổi theo chu kỳ hàng năm và thường được áp dụng vào ngày 01/01 hàng năm.

Mức lương tối thiểu vùng mới nhất hiện nay tăng bao nhiêu % so với năm 2018

Vùng Mức lương tối thiểu vùng năm 2019 Mức lương tối thiểu vùng năm 2018 Mức % tăng
Vùng I 4.180.000 đồng / tháng 3.980.000 đồng / tháng  5%
Vùng II 3.710.000 đồng / tháng 3.530.000 đồng / tháng 5.1%
Vùng III 3.250.000 đồng / tháng 3.090.000 đồng / tháng 5.2%
Vùng IV 2.920.000 đồng / tháng 2.760.000 đồng / tháng 5.8%

Lương tối thiểu chung - Mức lương tối thiểu chung mới nhất

Có khá nhiều người lao động hiện nay vẫn chưa hiểu rõ về lương tối thiểu chung và vẫn còn nhầm lẫn với khái niệm lương tối thiểu vùng. Sau đây là một số thông tin về lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu chung mới nhất hiện nay dành cho bạn tham khảo.

Lương tối thiểu chung

Lương tối thiểu chung chính là mức lương cơ sở để làm căn cứ tính lương cơ bản cho cán bộ, công chức viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động đang công tác trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, đơn vị hoạt động được nhà nước hỗ trợ kinh phí. 

Mức lương tối thiểu chung áp dụng mới nhất

Theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP thì mức lương tối thiểu chung sẽ tăng từ 1.390.000VNĐ/tháng lên 1.490.000VNĐ/tháng kể từ ngày 01/07/2019. Đây chính là mức lương tối thiểu chung mới nhất để làm căn cứ tính mức lương cao nhất tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hàng tháng của người lao động (mức tiền lương tháng cao nhất để tham gia BHXH bắt buộc không được cao hơn 20 lần mức lương tối thiểu chung).

Hệ số lương cơ bản 2019 - Những thông tin cần biết

Hệ số lương là con số thể hiện sự chênh lệch tiền lương theo ngạch, bậc lương. Hệ số lương được dùng làm cơ sở để tính lương cơ bản của người lao động theo đúng năng lực lao động, trình độ và bằng cấp chuyên môn.

Hệ số lương ở các cấp bậc bằng cấp khác nhau sẽ có sự chênh lệch khác nhau. Sau đây là hệ số lương khởi điểm cho người vừa mới tốt nghiệp:

  • Hệ số lương ở trình độ Đại học: 2.34
  • Hệ số lương ở trình độ Cao đẳng: 2.10
  • Hệ số lương ở trình độ Trung cấp: 1.86

Hệ số lương này được áp dụng cho những người lao động mới ra trường. Hệ số này có thể tăng lên theo từng cấp bậc công việc và tối thiểu các bậc sẽ chênh lệch nhau 5%.

Các câu hỏi thường gặp về tiền lương

Hệ số lương là gì?

Hệ số lương được hiểu là hệ số thể hiện sự chênh lệch tiền lương giữa các mức lương theo ngạch, bậc lương và mức lương tối thiểu. Hệ số lương được thống nhất theo quy định của chính phủ. 

  • Đối với doanh nghiệp nhà nước: Hệ số lương chính là một trong các yếu tố cơ bản để xây dựng thang bảng lương, là cơ sở để tính mức lương cơ bản, phụ cấp và các chế độ khác cho công chức, viên chức.
  • Đối với doanh nghiệp tư nhân: Tuỳ theo yêu cầu và chính sách của từng đơn vị mà người sử dụng lao động sẽ xây dựng và điều chỉnh hệ số lương để vừa đảm bảo được lợi ích của người lao động vừa tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật.

Mức lương đóng bảo hiểm xã hội là mức lương nào?

Mức lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tổng mức tiền lương, tiền công (bao gồm các loại phụ cấp và các khoản bổ sung khác) thoả thuận ghi trong hợp đồng lao động. 

  • Đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, mức lương tháng tối thiểu đóng BHXH bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.
  • Đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi đã qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề), mức lương tháng tối thiểu đóng BHXH phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.

Mức lương bao nhiêu thì đóng thuế thu nhập cá nhân?

Theo quy định của luật thuế thu nhập cá nhân, đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 03 tháng trở lên, kể cả trường hợp cá nhân ký hợp đồng từ 03 tháng trở lên tại nhiều nơi, sẽ thực hiện đóng thuế thu nhập cá nhân theo biểu thuế luỹ tiến từng phần.

Mức tối thiểu của thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công theo biểu thuế luỹ tiến từng phần là đến 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là với mức lương, mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng đã bị đóng thuế thu nhập cá nhân. Mức 5 triệu đồng/tháng này cần được hiểu chính xác là phần thu nhập tính thuế sau khi lấy tổng thu nhập trong tháng (thu nhập chịu thuế) của người lao động trừ đi các khoản giảm trừ theo quy định.

Vậy, hiểu một cách đơn giản, mức lương đóng thuế thu nhập cá nhân của người lao động chỉ áp dụng đối với cá nhân có thu nhập chịu thuế tối thiểu trên 9 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ đi các khoản giảm trừ theo quy định thì sẽ đóng thuế thu nhập cá nhân trên thu nhập tính thuế theo biểu thuế luỹ tiến từng phần.  

Lương thử việc bằng bao nhiêu lương chính thức?

Theo quy định của Bộ Luật lao động Việt Nam, tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc sẽ do người sử dụng lao động và người lao động thoả thuận. Tuy nhiên mức lương thử việc ít nhất phải bằng 85% mức lương chính thức của vị trí công việc đó.

Người lao động và người sử dụng lao động cũng cần lưu ý là mức lương chính thức của công việc sẽ do doanh nghiệp tự xây dựng. Tuy nhiên, mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do chính phủ quy định.

Tiền lương tháng thứ 13 có tính đóng bảo hiểm xã hội không?

Tiền lương tháng thứ 13 được hiểu là tiền thưởng của doanh nghiệp trả cho người lao động căn cứ theo kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Theo các quy định về việc xác định mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH sẽ bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác và không bao gồm các khoản và chế độ phúc lợi khác không có tính thường xuyên.

Vì vậy, tiền thưởng của người lao động khi làm việc tại doanh nghiệp như tiền lương tháng thứ 13 sẽ không được coi là tiền lương tháng đóng BHXH. 

Theo thống kê từ ViecLamVui, có hơn 69% người lao động không hiểu rõ hoặc không phân biệt được về lương cơ bản, lương cơ sở và lương tối thiểu. Vì vậy, người lao động sẽ dễ bị thiệt thòi khi không có sự hiểu biết dẫn đến việc hưởng mức lương không đúng với trình độ, khả năng chuyên môn và kinh nghiệm làm việc của mình. Bài viết này hy vọng sẽ cung cấp được cho bạn những thông tin để có thể hiểu rõ và đúng về các mức lương cơ sở, lương tối thiểu và lương cơ bản được áp dụng theo những quy định mới nhất hiện nay.

#LuongToiThieu #LuongCoSo #LuongCoBan #LuongToiThieuChung #HeSoLuongCoBan #ViecLamVui #GocNgheNghiep