Theo thống kê từ ViecLamVui, số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đã đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 89% dân số. Điều này cho thấy BHYT đã trở thành một nhu cầu thiết yếu và cần thiết đối với mọi người, đặc biệt nhóm đối tượng tham gia BHYT là người lao động và người sử dụng lao động. Vậy, bạn có biết mức hưởng bảo hiểm y tế cũng như quyền lợi bảo hiểm y tế theo những quy định mới nhất của Luật Bảo hiểm y tế chưa? Hy vọng những thông tin trong bài viết sẽ giúp người lao động hiểu rõ hơn về những quyền lợi của mình khi tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc.
Bảo hiểm y tế - Những khái niệm cần biết
Bảo hiểm y tế là một trong các loại bảo hiểm bắt buộc mà người lao động và đơn vị sử dụng lao động cần phải tham gia theo đúng quy định của pháp luật. Để hiểu rõ hơn về bảo hiểm y tế, bạn cần biết một số khái niệm sau đây.
Bảo hiểm y tế là gì?
Theo Luật Bảo hiểm y tế, khái niệm về bảo hiểm y tế được quy định là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận, do nhà nước tổ chức thực hiện. Bảo hiểm y tế là một trong những chính sách an sinh xã hội rất tốt cho người lao động khi có nhu cầu khám chữa bệnh.
Thẻ bảo hiểm y tế
Thẻ bảo hiểm y tế là thẻ được cấp cho người tham gia bảo hiểm y tế làm căn cứ để được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm y tế theo quy định pháp luật. Mỗi người chỉ được cấp một thẻ bảo hiểm y tế khi tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc hay bảo hiểm y tế tự nguyện.
Mã bảo hiểm y tế
Theo quy định mới nhất hiện nay, mã thẻ bảo hiểm y tế sẽ được cấp theo mã số bảo hiểm xã hội. Đồng thời, dãy mã thẻ bảo hiểm y tế còn bao gồm đầy đủ thông tin về nhóm đối tượng, mức hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế của người tham gia bảo hiểm y tế. Mã số ghi trên thẻ bảo hiểm y tế bao gồm 15 ký tự quy định như sau:
- 10 ký tự cuối là mã số bảo hiểm xã hội duy nhất của mỗi người trong suốt quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- 5 ký tự đầu của mã thẻ bảo hiểm y tế sẽ thay đổi khi có sự điều chỉnh về nhóm tham gia, mức quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế tương ứng của đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.
Tra cứu thẻ bảo hiểm y tế như thế nào?
Người tham gia bảo hiểm y tế có thể tra cứu thông tin bảo hiểm y tế online để nắm rõ về thời hạn sử dụng của thẻ bảo hiểm y tế cũng như quyền lợi được hưởng khi thăm khám chữa bệnh. Bạn cũng cần lưu ý nếu dữ liệu sau khi tra cứu chưa chính xác, bạn cần phối hợp với cơ quan BHXH để điều chỉnh dữ liệu nhằm đảm bảo quyền lợi cho bạn trong quá trình thăm khám chữa bệnh. Bạn có thể lựa chọn một trong hai hình thức tra cứu bảo hiểm y tế sau
Tra cứu bảo hiểm y tế qua SMS
Bạn có thể tự tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế của mình qua dịch vụ tin nhắn SMS. Để nhận được thông tin tra cứu thẻ bảo hiểm y tế, bạn soạn tin theo cú pháp như sau và gửi đến tổng đài 8179:
TC (dấu cách) BHYT (dấu cách) Mã thẻ BHYT
Sau khi gửi tin nhắn, bạn sẽ nhận được kết quả trả lời bao gồm những thông tin: Mã thẻ, nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, giá trị sử dụng, thời điểm đủ 05 năm liên tục.
Tra cứu bảo hiểm y tế trực tuyến
Để tra cứu bảo hiểm y tế trực tuyến, bạn thực hiện các thao tác sau:
Bước 1: Truy cập cổng thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam và bấm chọn "Tra cứu trực tuyến". Sau đó, bấm chọn tiếp "“Tra cứu giá trị sử dụng thẻ BHYT”
Bước 2: Điền đầy đủ những thông tin vào ô theo yêu cầu bao gồm:
- Mã thẻ in trên thẻ BHYT
- Họ tên
- Ngày/ tháng/ năm sinh
- Mã xác thực
Sau đó, bấm "Tra cứu"
Bước 3: Nhận kết quả tra cứu bao gồm những thông tin sau:
- Thông tin họ tên, ngày sinh và giá trị sử dụng thẻ BHYT
- Thông tin hiển thị họ tên và mã số BHXH của người lao động
- Thông tin quyền lợi gồm mức hưởng và quyền lợi hưởng BHYT của từng đối tượng
- Thông tin chi phí khám chữa bệnh đã đề nghị cơ quan BHXH thanh toán
Luật bảo hiểm y tế quy định về bảo hiểm y tế bắt buộc đối với doanh nghiệp và người lao động
Theo quy định của chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động là 01 trong 06 nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc. Vì vậy, người lao động và người sử dụng lao động cần nắm rõ các quy định trong luật bảo hiểm y tế mới nhất để thực hiện đúng, đặc biệt là những doanh nghiệp mới đi vào hoạt động.
Đối tượng tham gia của nhóm bảo hiểm y tế doanh nghiệp và người lao động
- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên.
- Người quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và người quản lý điều hành hợp tác xã hưởng tiền lương.
- Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.
- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.
Mức đóng bảo hiểm y tế và tỷ lệ đóng của doanh nghiệp và người lao động
Mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng sẽ bằng 4.5% tiền lương tháng của người lao động, trong đó:
- Người sử dụng lao động (Doanh nghiệp) đóng 3%
- Người lao động đóng 1.5%
Mức tiền lương tháng tính đóng bảo hiểm y tế là tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Mức tiền lương tháng tối đa làm căn cứ đóng bảo hiểm y tế không quá 20 lần mức lương cơ sở.
Mức hưởng bảo hiểm y tế và quyền lợi bảo hiểm y tế cho người lao động
Luật bảo hiểm y tế mới nhất có nhiều thay đổi. Vì thế, người lao động khi tham gia bảo hiểm y tế sẽ được hưởng các quyền lợi bảo hiểm y tế như sau khi đi khám chữa bệnh
Bảo hiểm y tế đúng tuyến
- 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn 223.500 đồng (tương ứng với 15% của mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng).
- 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến.
- 80% chi phí điều trị nằm trong danh mục được bảo hiểm y tế chi trả khi đi khám, chữa bệnh đúng tuyến nhưng không thuộc hai trường hợp trên hoặc đi cấp cứu tại bất cứ cơ sở y tế nào.
Bảo hiểm y tế trái tuyến
- 32% chi phí điều trị nội trú khi khám chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến trung ương.
- 48% chi phí điều trị nội trú khi khám chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh, quy định có hiệu lực đến ngày 31/12/2020.
- 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước, quy định có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
- 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú, nội trú tại bệnh viện tuyến huyện.
Mất thẻ bảo hiểm y tế, người lao động cần làm gì?
Khi người lao động bị mất thẻ bảo hiểm y tế thì sẽ được cấp lại thẻ bảo hiểm y tế và phải có đơn đề nghị cấp lại thẻ. Thủ tục cấp lại thẻ bảo hiểm y tế như sau:
Bước 1: Hoàn chỉnh hồ sơ xin cấp lại thẻ bảo hiểm y tế
+ Người lao động
- Đơn đề nghị cấp lại thẻ bảo hiểm y tế
- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo mẫu quy định
- Giấy tờ chứng minh (nếu có) theo Phụ lục quy định trong trường hợp người lao động được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn
+ Người sử dụng lao động (Doanh nghiệp)
- Bảng kê thông tin theo mẫu quy định
Bước 2: Nộp hồ sơ xin cấp lại thẻ BHYT
Người lao động có thể nộp hồ sơ xin cấp lại thẻ BHYT đã bị mất cho cơ quan nơi đang làm việc hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội.
Bước 3: Chờ cấp lại thẻ BHYT mới
- Kể từ ngày 01/01/2019 trở đi, thời hạn giải quyết hồ sơ xin cấp lại thẻ BHYT mà không làm thay đổi thông tin sẽ là trong ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
- Thời gian sẽ kéo dài hơn nhưng không được quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ nếu có sự thay đổi thông tin trong thẻ BHYT.
Mua bảo hiểm y tế tự nguyện - Những thông tin cần biết
Trường hợp thuộc đối tượng lao động tự do, làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 3 tháng thì có thể đăng ký mua bảo hiểm y tế tự nguyện theo hình thức bảo hiểm y tế hộ gia đình.
Bảo hiểm y tế hộ gia đình gồm những đối tượng nào?
Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình bao gồm toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, trừ đối tượng đã tham gia và người đã khai báo tạm vắng.
Mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình
Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, mức đóng bảo hiểm y tế của tất cả các thành viên thuộc hộ gia đình như sau:
- Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở
- Người thứ hai đóng bằng 70% mức đóng của người thứ nhất
- Người thứ ba đóng bằng 60% mức đóng của người thứ nhất
- Người thứ tư đóng bằng 50% mức đóng của người thứ nhất
- Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất
Thủ tục tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình
- Kê khai theo mẫu, nộp cho đại lý thu bảo hiểm y tế (UBND phường, xã hoặc đại lý bưu điện)
- Xuất trình hộ khẩu hoặc sổ tạm trú để đối chiếu khi nộp hồ sơ
- Photo thẻ bảo hiểm y tế của những người đã tham gia theo hộ gia đình đối với các trường hợp giảm mức đóng.
#BaoHiemYTe #LuatBaoHiemYTe #ViecLamVui #GocNgheNghiep