Logo

Thông tin quá trình học vấn trong CV - Hướng dẫn cách viết hay, chuẩn, tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng

Lượt xem: 12031
Ngày đăng: 17/03/2024

Hướng dẫn cách viết quá trình học vấn hay, chuẩn, tăng tính thuyết phục của CV ★ Thuộc dự án 1001 Mẫu CV Xin Việc ViecLamVui

Bạn có biết sự quan trọng của quá trình học vấn trong CV không?

Trong mỗi CV xin việc, phần thông tin học vấn của ứng viên là nội dung không thể thiếu và là một trong các yếu tố quan trọng để nhà tuyển dụng đánh giá được năng lực của ứng viên. Vậy bạn có hiểu được chính xác trình độ học vấn là gì để có thể ghi thông tin về quá trình học vấn trong CV nhằm thể hiện được năng lực chuyên môn của bản thân một cách hiệu quả nhất?

Khái niệm về trình độ học vấn

Học vấn được hiểu là những hiểu biết, tri thức mà mỗi cá nhân có được nhờ học tập qua những cấp bậc khác nhau (Tiểu học, Trung học, Đại học, Cao học...). Mỗi cấp độ học vấn đạt được chính là trình độ của mỗi người. Vậy trình độ học vấn có thể hiểu một cách tổng quát chính là trình độ học tập cao nhất mà mỗi cá nhân đã hoàn tất và đạt được chứng nhận trong hệ thống giáo dục.

Vai trò của quá trình học vấn trong CV

Để làm tốt công việc trong bất cứ lĩnh vực ngành nghề nào chắc chắn chúng ta phải có kiến thức chuyên môn về ngành nghề đó. Vì vậy, khi đặt ra các tiêu chí tuyển dụng, học vấn chuyên môn của ứng viên là yêu cầu đầu tiên và bắt buộc mà nhà tuyển dụng đặt ra để tìm được những ứng viên phù hợp với vị trí công việc tuyển dụng.

Do đó, quá trình học vấn ghi trong CV là những thông tin quan trọng. Chính vì vậy, bạn cần có sự chăm chút và nêu thật cẩn thận những yếu tố về quá trình học vấn của bạn cũng như những bằng cấp mà bạn đã đạt được để có thể thực hiện mục tiêu chinh phục nhà tuyển dụng một cách hiệu quả.

Cách viết quá trình học vấn trong CV hay, chuẩn

  • Bắt đầu với trình độ học vấn cao nhất của bạn, sau đó là những cấp bậc khác theo thứ tự thời gian từ gần nhất đến xa hiện tại nhất.
  • Đối với mỗi trình độ, bạn cần nêu chi tiết các thông tin: Tên trường học, Chuyên ngành, Bằng cấp, Khoá học. Hãy sử dụng gạch đầu dòng hoặc bullet cho mỗi thông tin được nêu ra.
  • Có thể chia thành các mục nhỏ trong phần quá trình học vấn để chuyên nghiệp hoá việc trình bày giúp CV nhìn bắt mắt, rõ ràng, mạch lạc (mục Học vấn chuyên môn, mục Thành tích/Giải thưởng, mục Chứng chỉ nghiệp vụ...)
  • Nếu bạn có bằng cấp chuyên môn khác với công việc mà bạn ứng tuyển, bạn có thể giảm bớt việc thiếu kiến thức chuyên môn đối với vị trí công việc tuyển dụng bằng cách liệt kê các khoá học nghề nghiệp hoặc các chương trình đào tạo mà bạn đã theo học có liên quan đến lĩnh vực mà bạn ứng tuyển.

Những điều cần lưu ý khi viết về quá trình học vấn trong CV

Có thể bạn nghĩ viết về quá trình học vấn trong CV cũng không có gì quá khó và chỉ là công việc liệt kê tên ngành học, bằng cấp, thời gian tốt nghiệp của bản thân. Tuy nhiên, việc viết ra những thông tin về quá trình học vấn như thế nào để ấn tượng trên CV và làm nổi bật được kiến thức chuyên môn của bản thân là điều bạn nên cân nhắc kỹ trước khi viết về các thông tin này.

Quá trình học vấn nên viết ở vị trí nào trong CV để dễ gây ấn tượng?

Với nhiều nhà tuyển dụng, CV được trình bày chuyên nghiệp với bố cục rõ ràng, mạch lạc, khoa học sẽ luôn được đánh giá cao vì giúp họ nắm bắt được nhanh chóng thông tin về năng lực của ứng viên đó có phù hợp với vị trí ứng tuyển hay không. Vì vậy, bạn nên suy nghĩ và cân nhắc nên sắp xếp mục thông tin về trình độ học vấn của mình ở vị trí nào thích hợp trong CV tuỳ theo khả năng thực tế của mình để phát huy được hiệu quả của các thông tin này nhé. 

  • Đối với sinh viên mới ra trường: Vì chưa có kinh nghiệm làm việc thực tiễn để chứng minh được năng lực làm việc của bản thân nên bạn hãy linh hoạt một chút trong việc tận dụng giá trị của những kiến thức chuyên môn về ngành nghề mà bạn đã được học, bằng cấp bạn có được và những giải thưởng trong quá trình học tập bằng cách sắp xếp thông tin quá trình học vấn của bạn lên phần đầu của CV. Những thông tin này nên nằm trên phần kinh nghiệm làm việc trong CV vì lúc này nhà tuyển dụng sẽ dễ bị thuyết phục bởi quá trình học vấn của bạn hơn kinh nghiệm làm việc.
  • Đối với ứng viên đã có nhiều kinh nghiệm làm việc: Lúc này, những kinh nghiệm làm việc thực tiễn của bạn phù hợp với vị trí tuyển dụng sẽ có giá trị thuyết phục nhà tuyển dụng hữu hiệu hơn trình độ học vấn với những thông tin vắn tắt. Vì thế, khi trình bày CV, bạn nên sắp xếp mục quá trình học vấn nằm sau mục kinh nghiệm làm việc sẽ dễ thuyết phục và gây ấn tượng với nhà tuyển dụng hơn.

Quy tắc trình bày các thông tin quá trình học vấn trong CV hữu hiệu

  • Chọn lựa thông tin: Có thể bạn đã từng học rất nhiều thứ trong quá trình học tập của mình hoặc tham gia nhiều các khoá học khác nhau. Tuy nhiên, không nhất thiết bạn phải liệt kê tất cả khối thông tin đó trong mục quá trình học vấn vì chỉ khiến CV của bạn trở nên dài dòng nhưng không nhấn mạnh được trọng tâm. Bạn hãy chọn lựa những thông tin nào hữu ích và phù hợp nhất thể hiện trình độ liên quan đến công việc sẽ có tác dụng hơn 
  • Không nên bỏ qua những chi tiết nhỏ thể hiện trình độ của bạn: Bạn đừng quên các chi tiết về giải thưởng, các chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn phù hợp mà bạn có được nhé. Những thông tin này có thể giúp bạn có thêm điểm cộng với nhà tuyển dụng. Bạn có thể sắp xếp những thông tin này thành các mục riêng như là mục Thành tích, mục Chứng chỉ nghiệp vụ... sẽ giúp thông tin của bạn rõ ràng hơn.
  • Bỏ qua những chi tiết không hữu ích: Nếu nhà tuyển dụng không yêu cầu bạn cung cấp thông tin về bảng điểm thì bạn cũng không nên đưa chi tiết này vào phần quá trình học vấn. Đôi khi kết quả học tập của bạn được thể hiện qua những con số không được tốt cũng sẽ ảnh hưởng đến CV của bạn. Bạn có thể cân nhắc thay thế những thông tin này bằng các thông tin về giải thưởng, thành tích hay chứng chỉ chuyên môn sẽ hiệu quả hơn nếu bạn là sinh viên mới ra trường. Ngoài ra, bạn cũng có thể bỏ qua thông tin về các cấp học thấp nếu như bạn đã đạt được trình độ Đại học hoặc Sau Đại học.
  • Sự thật của thông tin: Nhà tuyển dụng sẽ không đánh giá tốt những CV có những thông tin không đúng sự thật hoặc thổi phồng quá mức. Bạn hãy nhớ là nhà tuyển dụng đều có thể check lại về các thông tin bạn ghi trong CV nhất là đối với những thông tin quá hào nhoáng, quá nổi bật. VÌ vậy, hãy thành thật khi viết về quá trình học vấn của mình bạn nhé.
Hướng dẫn cách viết quá trình học vấn hay, chuẩn, tăng tính thuyết phục của CV ★ Thuộc dự án 1001 Mẫu CV Xin Việc ViecLamVui

#CachVietQuaTrinhHocVanTrongCV #ViecLamVui #KyNangNgheNghiep #CachVietCVXinViec